Trong giai đoạn vừa qua, công nghệ điện mặt trời đã có bước tiến mạnh mẽ tập trung vào các yếu tố chính như: Giảm chiều dày tấm quang điện mỏng để tiết kiệm vật liệu, nâng cao hiệu suất, cải tiến các điện cực… Bên cạnh đó, các hướng nghiên cứu nhằm giảm sử dụng và thay các nguyên tố nguy hiểm trong các tấm pin điện mặt trời như: Chì, cadimi, selen… cũng được triển khai mạnh mẽ.
Dự báo trong khoảng thời gian đến năm 2030, tấm quang điện tinh thể silic sẽ chiếm giảm xuống còn 44,8%, trong khi đó các pin năng lượng mặt trời mới phát triển hiện nay sẽ tăng từ 1% năm 2014 lên 44,1% vào giai đoạn đến năm 2030.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ xử lý tấm pin thải bỏ tại Việt Nam.
Theo đánh giá từ Bộ KH&CN hiện nay, với tỷ lệ tấm quang điện tinh thể silic chiếm phần lớn như vậy, hầu như sẽ không có tác động lớn tới môi trường từ việc chế tạo, lắp đặt và vận hành các hệ thống điện mặt trời. Tuy nhiên, với việc dự báo phát triển bùng nổ của các tấm quang điện mới, tấm quang điện màng mỏng chứa một lượng nhỏ các chất cadmium, arsenic… có thể tác động tới môi trường.
Lãnh đạo Bộ KH&CN cũng thừa nhận, hoạt động nghiên cứu công nghệ, giải pháp xử lý tấm quang điện sau khi hết thời hạn sử dụng vẫn còn khó khăn. Như lượng tấm quang điện thải bỏ của Việt Nam trong thời điểm này là chưa đủ lớn để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi xử lý tấm quang điện thải bỏ ở quy mô công nghiệp. Do đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào ứng dụng công nghệ xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Việc lựa chọn công nghệ trên thế giới để ứng dụng phù hợp với điều kiện tại Việt Nam cũng là một trong những vấn đề cần được nghiên cứu trong thập kỷ tới.
Thực tế, với tuổi thọ trung bình là khoảng 20 năm, nhiều tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt từ đầu những năm 2000 ở các nước giờ đã sắp hết hạn sử dụng. Câu hỏi đặt ra là chúng sẽ trở thành rác thải gây nguy hiểm cho môi trường hay sẽ được tái chế và trở thành cơ hội tốt cho những ngành khác?
Để đánh giá và lựa chọn các công nghệ xử lý tấm pin thải bỏ tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu công nghệ xử lý tấm quang điện thải bỏ tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030, cụ thể như nghiên cứu, chế tạo vật liệu xốp từ thủy tinh và vỏ sò phế thải; nghiên cứu thử nghiệm xử lý, tái chế, thu hồi vật liệu trong tấm pin mặt trời tinh thể Si ở Việt Nam; nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý, xử lý pin mặt trời thải thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quốc tế về quản lý và xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải của một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam…
Bộ KH&CN cũng cho biết, với kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ ban đầu cũng đã định hướng được một số giải pháp, công nghệ. Tuy nhiên, để giải quyết được bài toán tổng thể trong việc xử lý hiệu quả tấm quang điện thải bỏ ở quy mô công nghiệp, dự kiến trong năm 2024, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN nhằm hoàn thiện công nghệ và chế tạo hệ thống thiết bị quy mô hoạt động liên tục xử lý tấm pin năng lượng mặt trời đã qua sử dụng để thu hồi và tái chế thành vật liệu sử dụng cho các ngành, lĩnh vực khác thông qua Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục với các Bộ ngành liên quan để triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ xử lý tấm quang điện mặt trời thải bỏ từ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Ở một khía cạnh khác, một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khẳng định tấm thu năng lượng mặt trời có tỉ lệ tái chế rất cao. Trong đó, vật liệu thu hồi có giá trị lớn nhất là Bạc (Ag), tuy trọng lượng không nhiều nhưng tỉ lệ trong giá thành là trên 50%. Vì vậy, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế tấm thu năng lượng mặt trời ở Việt Nam.
Nhật Uyên/cand.com.vn
Nguồn: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/kho-xu-ly-pin-nang-luong-mat-troi-sau-khi-het-thoi-han-su-dung-i709561/