Một tàu chở LNG của Hàn Quốc
Nhiên liệu hóa thạch chiếm 87% năng lượng tiêu thụ năm 2019
Vào thời điểm năm 2019, Hàn Quốc là quốc gia có gần 52 triệu dân, kiêm nước tiêu thụ năng lượng nhiều thứ 9 trên thế giới. Trong báo cáo của mình, IEA đã hoan nghênh "Chính phủ Hàn Quốc vì đã thực hiện Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch" và khuyến khích đất nước chủ động tiếp cận hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và hydro (đặc biệt là trong ngành giao thông vận tải).
Nhưng tại Hàn Quốc, đây không chỉ là một quá trình chuyển dịch, mà còn là một cuộc cách mạng năng lượng cần thiết để Hàn Quốc hướng đến mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Vào năm 2019, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm gần 87% mức tiêu thụ năng lượng. Tại thời điểm đó, Hàn Quốc là thành viên IEA có mức tỷ trọng năng lượng tái tạo thấp nhất trong cơ cấu năng lượng của họ.
Hàn Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng gần như tất cả nhu cầu nhiên liệu hóa thạch hiện tại (với sự lệ thuộc đáng kể vào nguồn cung từ Trung Đông). Do đó, vào năm 2019, Hàn Quốc là một trong năm nước nhập khẩu lớn nhất trên toàn cầu đối với những nhiên liệu sau: Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), than đá và hydrocarbon lỏng.
Năm 2019, nhiên liệu hóa thạch chiếm 87% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở Hàn Quốc và gần 2/3 sản lượng điện.
Hướng đến mục tiêu tỷ trọng nguồn tái tạo chiếm 20% cơ cấu điện năng năm 2030
Để "thoát khỏi sự thống trị của nhiên liệu hóa thạch và tránh lệ thuộc nặng nề vào năng lượng nhập khẩu", quốc gia này đã cam kết nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên 20% vào năm 2030 và 30-35% vào năm 2040 (so với chỉ khoảng 3% vào năm 2019). Để đạt được cam kết này, Hàn Quốc “cần phát triển một hệ thống điện linh hoạt hơn”. Đáng chú ý, Hàn Quốc là một trong những nước có nhiều công suất điện hạt nhân dân dụng nhất trên thế giới, với 24 lò phản ứng đang hoạt động trong nước.
Theo IEA, một trong những đặc thù của đất nước này là nhu cầu tiêu thụ năng lượng khổng lồ của ngành công nghiệp trong nước (chiếm 55% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng). Bên cạnh đó, vào năm 2015, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ở Đông Bắc Á thành lập thị trường hạn ngạch phát thải toàn quốc, khuyến khích khu vực “noi gương theo” (dù rằng họ vẫn còn đưa ra nhiều trường hợp ngoại lệ, làm giảm hiệu quả của thị trường này).
Ngọc Duyên/Petrotimes
AFP
Nguồn: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/khi-dot-chiem-vi-tri-quan-trong-trong-an-ninh-nang-luong-cua-han-quoc-689779.html