Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Indonesia sẽ là cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu về kinh tế thương mại giữa hai quốc gia. Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) Shinta Widjaja Kamdani với phóng viên VOV thường trú tại Indonesia nhân dịp chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Indonesia.
PV: Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển hợp tác kinh tế thương mại lớn trong thời gian vừa qua. Bà đánh giá thế nào về mục tiêu hai nước đặt ra là đạt 15 tỷ USD kim ngạch song phương vào năm 2028?
Bà Shinta Widjaja Kamdani: Về mặt lịch sử, Indonesia và Việt Nam có quan hệ rất bền chặt với các chuyến thăm thường xuyên của các nhà lãnh đạo. Trên nền tảng đó, hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Với tư cách là tổ chức quy tụ đông đảo giới doanh nghiệp Indonesia, Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia đã nhiều lần tổ chức diễn đàn doanh nghiệp cũng như tiếp đón các đoàn đại biểu từ hai nước. Tôi xin nhấn mạnh rằng, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục 11,5 tỷ USD vào năm 2021.
Tuy nhiên, con số thực tế vẫn rất thấp so với tiềm năng của hai nước. Tôi tin tưởng rằng, mục tiêu kim ngạch song phương 15 tỷ USD vào năm 2028 là hoàn toàn có thể đạt được. Mặc dù vậy vẫn còn rất nhiều việc hai bên phải làm để tối ưu hóa thương mại song phương, nhất là khi cả hai nước đều là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, vấn đề tăng cường vốn đầu tư còn rất nhỏ dù có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước. Do đó, Chính phủ hai bên cần tiếp tục kết nối, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp hai nước.
PV: Hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại cần phải khai thác. Xin bà đánh giá ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Indonesia giúp thúc đẩy thế nào quan hệ kinh tế thương mại song phương trong thời gian tới?
Bà Shinta Widjaja Kamdani: Tôi nghĩ đây là một chuyến thăm thực sự có ý nghĩa đối với mối quan hệ song phương. Lãnh đạo hai nước đều có những ưu tiên cụ thể, mạnh mẽ và mong muốn đạt kết quả. Hai bên cũng xác định một số lĩnh vực hợp tác kinh tế cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác. Trước tiên, tôi xin nhấn mạnh đến các sản phẩm Halal. Indonesia là trung tâm Halal khu vực và chắc chắn có thể mở rộng sang thị trường Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sở tại.
Thứ 2, hai nước cũng có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thủy sản và năng lượng tái tạo. Cơ hội hợp tác nằm ở cách thức hai nước xem xét thúc đẩy năng lượng tái tạo, lựa chọn công nghệ, tìm kiếm nguồn tài chính và đào tạo nguồn nhân lực. Indonesia và Việt Nam đều giống nhau ở lĩnh vực này, do vậy, có thể cùng nhau hợp tác và chia sẻ các phương pháp tốt nhất.
Thứ 3 là hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện Indonesia đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng với rất nhiều dự án được triển khai trên khắp cả nước và cả ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số - trọng tâm của nền kinh tế tương lai và quá trình chuyển đổi kỹ thuật số mà hai nước đang theo đuổi sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội. Cả hai nước đang bùng nổ về số lượng công ty khởi nghiệp và có thể xem xét thiết lập nhiều quan hệ đối tác hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử và kỹ thuật số.
PV: Bà có thể đưa ra một số định hướng cụ thể hai bên cần làm để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương?
Bà Shinta Widjaja Kamdani: Indonesia và Việt Nam có nền tảng nhu cầu người tiêu dùng tương tự nhau và cần xem xét cách thức mở rộng các cơ hội thị trường cụ thể. Tôi nghĩ điều quan trọng là không chỉ nhìn vào lĩnh vực cụ thể mà hãy giúp cho doanh nghiệp hai bên hiểu về thị trường, cách thức kinh doanh và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại hai nước. Đây là lý do Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia đang tạo điều kiện thành lập các nhóm công tác cụ thể, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các doanh nghiệp (B2B) - không chỉ giữa các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nhà nước, mà cả các công ty đang muốn mở rộng. Điều mà Indonesia đã học được từ Việt Nam là cách thức thu hút các nhà đầu tư.
Việt Nam đã rất cởi mở trong việc trải thảm đỏ cho giới đầu tư và Indonesia cũng đang làm điều tương tự với rất nhiều hình thức. Indonesia và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi. Doanh nghiệp hai nước cũng có nhiều điểm tương đồng và có thể phát triển hơn bằng cách học hỏi lẫn nhau, hợp lực và cùng nâng cao năng lực.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà./.