Indonesia thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời

 Indonesia đang đưa ra các ưu đãi tài chính để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát thải carbon thấp bao gồm năng lượng mặt trời và gió, với hy vọng đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Chính phủ Indonesia đã quyết định dỡ bỏ yêu cầu bắt buộc sử dụng hầu hết các vật liệu được sản xuất trong nước trong các dự án năng lượng mặt trời. Động thái này được cho là có thể thúc đẩy sản xuất năng lượng mặt trời gấp hơn 4.000 lần so với sản lượng hiện tại.

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng mặt trời lên gấp 5 lần trong 5 năm tới, điều này có thể cần khoản đầu tư lên tới 2,4 tỷ USD. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Joko Widodo khi Indonesia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng than và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Indonesia đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng mặt trời lên gấp 5 lần trong 5 năm tới. 

Về năng lượng, Indonesia là quốc gia còn phụ thuộc chủ yếu vào than đá. Cụ thể, than đá chiếm hơn 40% trong hỗn hợp năng lượng và 60% trên tổng số 73.000MW công suất phát điện của nước này. Điều này khiến cho mục tiêu phát thải carbon xuống 0% vào năm 2060 của Indonesia trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Đồng thời, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng điện lưới và mạng lưới cung cấp điện không ổn định là nguyên nhân dẫn đến việc cắt điện thường xuyên và thiếu điện để sử dụng tại quốc gia này, do đó nếu chỉ dựa vào nguồn cung điện có nguồn gốc từ than đá - kể cả là hộ gia đình hay các khu công nghiệp - đều không đem lại hiệu quả về kinh tế.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (EMR), dự kiến dân số nước này sẽ đạt 335 triệu người vào năm 2050 và nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng ít nhất 5 lần, đạt hơn 1.700 TWh. Trong khi đó, năng lượng mặt trời chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với thủy điện và địa nhiệt. Dù là một quần đảo nhiệt đới với 17.000 hòn đảo được thiên nhiên ưu đãi với ánh nắng quanh năm, Indonesia vẫn đứng cuối về công suất điện mặt trời trong số các quốc gia G20. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng số năng lượng của Indonesia chỉ chiếm từ 11-14%. 

Bộ Năng lượng của nước này, Indonesia có tiềm năng đạt được 400.000 MW điện mặt trời. Vào năm 2060 hoặc sớm hơn, Indonesia cũng đặt mục tiêu sẽ từ bỏ than đá và trung hòa carbon. Do vậy, việc đầu tư vào năng lượng mặt trời tại quốc gia này ngày càng được chính phủ quan tâm và xem xét, tạo điều kiện thúc đẩy.

Quỳnh Chi

Nguồn:Indonesia thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời (thiennhienmoitruong.vn)