Indonesia có kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng mới giá cả phải chăng

Theo Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (ESDM), Indonesia muốn phát triển các dự án về các nguồn năng lượng mới như hạt nhân, hydro và amoniac để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (NZE) vào năm 2060 hoặc sớm hơn.
 

Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng mới, năng lượng tái tạo và tiết kiệm (EBTKE) thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản, ông Dadan Kusdiana cho biết, Indonesia có thể đạt được mục tiêu NZE sớm hơn năm 2060 với sự hỗ trợ quốc tế thông qua chuyển giao và tài trợ công nghệ. Quốc gia này cần các nguồn năng lượng mới có giá cả phải chăng và mọi người đều có thể tiếp cận được. Ông dự đoán đến năm 2060, phần lớn năng lượng sử dụng trong nước sẽ là năng lượng mặt trời nhưng sẽ cần đến pin để lưu trữ năng lượng.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đặt mục tiêu giảm 29% lượng khí thải carbon vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Về phần mình, ESDM kỳ vọng nước này sẽ có công suất điện mặt trời là 2,14 GW vào năm 2030.

Indonesia có kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng mới giá cả phải chăng  -0
Ảnh: Antara news
Tuy nhiên, tính đến tháng 11.2022, Indonesia mới chỉ có 6.461 hộ gia đình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 77,6 MW. Điều đó cho thấy khoảng cách lớn giữa tốc độ tăng trưởng hiện tại và mục tiêu mong muốn. Ông Dandan Kusdiana cho biết, Indonesia vẫn cần đẩy mạnh mở rộng sản xuất các nguồn năng lượng như địa nhiệt và thủy điện. ESDM cũng nhận thấy tiềm năng của các nguồn năng lượng mới giúp bù đắp sự thiếu hụt về năng lượng tái tạo không liên tục. Vì vậy, Indonesia có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.

Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc gia Indonesia (Batan) đã công bố kế hoạch phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn ở một số khu vực trong nước bao gồm tỉnh Trung Java và Bangka Belitung. Tuy nhiên, theo Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (IESR), việc phát triển các dự án này gặp khó khăn do sai sót nghiêm trọng về thiết kế, vấn đề môi trường và tài chính. Trong khi đó, theo ESDM, Indonesia được coi là có tiềm năng trở thành trung tâm thủy điện xanh toàn cầu vì sử dụng lượng lớn hydro trong ngành công nghiệp amoniac và các ngành công nghiệp khác.

Hiện tại, sản lượng hydro hàng năm của Indonesia là 1,75 triệu tấn, nhưng hydro xanh vẫn tương đối đắt do các yếu tố bao gồm chi phí điện phân và sản xuất điện tái tạo cao, cũng như công suất năng lượng tái tạo thấp.


Như Ý/daibieunhandan.vn

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/indonesia-co-ke-hoach-phat-trien-cac-nguon-nang-luong-moi-gia-ca-phai-chang--i346962/