Hội thảo khoa học phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ

Ngày 4/4, Liên Hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Viện nghiên cứu vùng và đô thị đã tổ chức Hội thảo khoa học phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ. Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong việc nghiên cứu.
 

Tại Hội thảo, ông Đặng Quốc Toản – Đại diện Công ty Năng lượng Châu Á, đơn vị nghiên cứu cho biết, nhà máy điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ có vị trí, diện tích khoảng 325.123 ha thuộc vùng Nam biển Đông, với quy mô công suất khoảng 6.000MW.Mô phòng nhà máy sản xuất green hydrogen, ammonia…
Mô phòng nhà máy sản xuất green hydrogen, ammonia…

Dự án này dự kiến được chia làm 4 giai đoạn đầu tư từ 2025-2040. Sau khi hoàn thiện sẽ giảm phát thải hơn 200 triệu tấn cacbon trong vòng đời của dự án.

Về công suất, nhà máy Điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ cung cấp nguồn điện sạch vào lưới điện quốc gia, điểm đấu nối tại trạm BA 500kV Đa Phước, sản xuất green hydrogen, ammonia và cung cấp điện sạch cho đường sắt tốc độ cao chạy tàu của dự án tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ khi dự án này được triển khai.

Đồng thời, dự án này cũng sẽ cung cấp điện, hydrogen xanh cho các đô thị, khu công nghiệp, phương tiện giao thông vận tải để giảm phát thải khí cacbon, dự án không ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ.

Ông Toản cũng cho biết, phương án kết nối điện gió ngoài khơi Cần Giờ như sau: Xây dựng trạm nổi 220kV trên biển và đường cáp ngầm 220kV về trạm nâng áp khu công nghiệp Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) với đường dây 500kV mạch kép đấu nối dự án về TBA 500kV Đa Phước (theo Quy hoạch điện 8 trạm này).

Khu vực đề xuất nghiên cứu Dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ

Khu vực đề xuất nghiên cứu Dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ

Từ đó, góp phần chính vào chiến lược trung hòa cacbon của Thành phố Hồ chí Minh và Việt Nam tới năm 2050 đúng theo cam kết của chính phủ tại COP26 và đúng theo tinh thần Nghị quyết của Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Sở Công thương Thành phố Hồ chí Minh có kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh về dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ, do Liên doanh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất. Địa điểm khảo sát đầu tư là khu vực ngoài khơi thuộc Nam biển Đông. Đồng thời cũng đề xuất đưa dự án này vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).


Mô phỏng Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ

Mô phỏng Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ


Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ có tổng diện tích khảo sát toàn dự án khoảng 325.123 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 313.372 tỉ đồng. Quy mô đầu tư khoảng 6.000 MW, chia làm 4 giai đoạn. Dự án này sẽ cấp điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia 500kV.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, việc phát triển năng lượng sạch là xu thế toàn cầu, huyện ủng hộ việc đầu tư dự án khai thác điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, do dự án sử dụng diện tích mặt biển lớn, các đơn vị trong quá trình thẩm định cần xem xét sự tác động đến môi trường khu dự trữ sinh quyển thế giới là khu vực đất rừng phòng hộ Cần Giờ đã được UNESCO công nhân là Di sản văn hóa thế giới.

Đồng thời, các cơ quan cũng cần đánh giá luồng tàu tác động ra vào các cảng quốc tế, vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho ngư dân vì vùng biển đánh bắt bị thu hẹp.

 

 Việt Hùng/kinhtedothi.vn

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hoi-thao-khoa-hoc-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-can-gio.html