Theo hãng CNN, ông Sultan Al Jaber sẽ là Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai vào tháng 11 tới. Ông Sultan cho biết "tương lai của nhiên liệu hóa thạch" đang tác động đến cam kết mục tiêu về khí hậu trong bối cảnh các nhà khoa học nói rằng thế giới cần nhanh chóng hành động chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Ảnh minh họa. Nguồn: CNN
Ông Sultan Al Jaber đang kêu gọi thế giới tập trung vào công nghệ để xử lý ô nhiễm đang làm nóng hành tinh do than, dầu và khí đốt gây ra.
"Nhiên liệu hóa thạch đáp ứng các yêu cầu năng lượng toàn cầu trong tương lai. Mục tiêu của chúng tôi là phải tập trung đảm bảo loại bỏ dần lượng khí thải từ tất cả các lĩnh vực", ông Al Jaber phát biểu tại Đối thoại Khí hậu Petersberg ở Berlin - Hội nghị có sự tham gia của đại diện từ khoảng 40 quốc gia để giúp đỡ thiết lập chương trình nghị sự cho COP28.
Đây là sự khởi đầu từ những gì các quốc gia khác đã kêu gọi. Vào tháng 3, các nước châu Âu đã đồng ý tăng cường loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu trong văn bản đặt ra các ưu tiêu cho COP28. Hơn 80 quốc gia đã ủng hộ cam kết loại bỏ dầu mỏ, than đá và khí đốt tại COP27 ở Ai Cập vào năm ngoái nhưng Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất dầu khí khác đã phản đối điều đó.
Bà Tasneem Essop, Giám đốc điều hành của Mạng lưới hành động vì khí hậu - liên minh của các nhóm môi trường cho rằng ông Al Jaber đang nói về tương lai liên quan đến nhiên liệu hóa thạch và giai đoạn ngừng phát thải carbon.
"Kế hoạch chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch nên là trọng tâm của các cuộc thảo luận", bà Tasneem Essop nhấn mạnh.
Mục tiêu khí hậu
Ông Nils Bartsch, Trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí tại Tổ chức phi lợi nhuận Urgewald của Đức cho biết thế giới phải triệt để làm việc về ngân sách carbon để đạt được mục tiêu nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C. Nỗ lực giảm sản xuất nhiên liệu dầu khí chưa thể thay đổi được điều đó. Các nhà khoa học đã nói rằng thế giới nên nỗ lực hết sức để duy trì nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và các quốc gia đang nỗ lực để giữ mục tiêu đó trong tầm tay tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm.
Ông Al Jaber nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc thu giữ carbon làm giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng công nghệ này vẫn còn quá đắt đỏ, chưa chứng minh được ở quy mô lớn và sẽ mất quá nhiều thời gian để thực hiện do tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu.
"Chúng ta không thể thờ ơ trước các giải pháp liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm các thông tin chưa được kiểm chứng mang lại những rủi ro và mối đe dọa mới", ông Essop nói thêm.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cho rằng không nên đưa ra lựa chọn liên quan đến nhiên liệu hóa thạch mà cần tập trung vào năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, ông Al Jaber đã nhắc đến hội nghị Berlin để đặt ra các ưu tiên, bao gồm tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng gấp đôi sản lượng hydro, mở rộng năng lượng hạt nhân và cải thiện khả năng lưu trữ pin. Ông Al Jaber cũng kêu gọi các nước giàu nên thực hiện lời hứa tài trợ cho các nước dễ bị tổn thương do khí hậu. Năm 2009, các quốc gia giàu có đã cam kết huy động 100 tỷ đô la tài trợ hàng năm cho khí hậu nhưng đã không đạt được mục tiêu đó. Sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã ảnh hưởng đến tiến độ và làm xói mòn lòng tin.
"Vấn đề tài chính khí hậu đơn giản là chưa có sẵn, không thể tiếp cận và giá cả đắt đỏ. Nếu thế giới không đưa ra các cơ chế hiệu quả để cung cấp tài chính khí hậu cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi thì sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lựa chọn con đường phát triển sử dụng nhiều carbon", ông AI Jaber cho biết tại Berlin ngày 3/5.
Hội nghị COP28 năm nay được xem là đặc biệt quan trọng bởi vì sẽ bảo gồm việc thống kê toàn cầu đầu tiên, đánh giá tiến độ của các quốc gia đối với mục tiêu khí hậu.
"Tất cả các chỉ số… đang nói với chúng ta rằng thế giới đang đi chệch hướng", ông Al Jaber cho biết.
Phát biểu tại hội nghị Berlin ngày 3/5, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock khẳng định điều quan trọng là chúng ta phải thực sự đánh giá lại những gì chúng ta đã đạt được và các mục tiêu mà chúng ta tự đặt ra. Chúng ta phải thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch và giảm đáng kể lượng khí thải.
"Đây không còn là tầm nhìn. Đây là việc thực hiện cam kết mà chúng ta đã đưa ra", bà Annalena Baerbock nhấn mạnh.
Hồng Nhung/toquoc.vn
Nguồn: https://toquoc.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-cop28-va-muc-tieu-khi-hau-20230504113708979.htm