Hiểu đúng về 'tự sản tự tiêu' của điện mặt trời mái nhà

Cơ chế lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đang có nhiều ý kiến băn khoăn về việc 'loại' mái nhà các khu công nghiệp, cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe… Trong khi đó, nhiều DN vẫn đang đầu tư lắp điện mặt trời trên mái các nhà xưởng theo mô hình hợp tác mua bán điện (PPA).
 

Băn khoăn được lắp hay không được lắp?

Ông Ngô Tuấn Anh, giám đốc một công ty cơ khí cho biết, mỗi tháng nhà máy của ông tiêu thụ khoảng 200 triệu đồng tiền điện. Ông chờ đợi chính sách để có thể tự lắp ĐMTMN tự tiêu dùng, nhằm giảm chi phí, hơn nữa cũng là để bắt nhịp với xu hướng sản xuất xanh trên toàn cầu.

“Ngành cơ khí là một trong những ngành có xu hướng bị đánh thuế carbon cao nhất do lượng phát thải khí nhà kính cao, do đó năng lượng xanh là một giải pháp. Bài học mất đơn hàng của ngành dệt may vì ‘quên’ phát triển xanh vẫn hiện hữu”, vị này nói.

Tháng 7/2022, Công ty Honda Việt Nam có văn bản gửi Công ty điện lực Vĩnh Phúc đề nghị hướng dẫn việc lắp ĐMTMN tự dùng tại công ty. Nhưng, Điện lực Vĩnh Phúc lại có văn bản trả lời rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty điện lực miền Bắc yêu cầu các công ty điện lực tỉnh tạm dừng, không thỏa thuận đấu nối với các dự án/hệ thống ĐMTMN vào lưới điện cho đến khi có hướng dẫn mới của Chính phủ, Bộ Công Thương.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT bày tỏ thất vọng trước tờ trình của Bộ Công Thương. Ông cho biết, DN đã tốn hàng chục tỷ đồng cho hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng sản xuất ở Bình Dương với mục đích vừa dùng, vừa bán điện dư thừa. Nhưng chính sách mới này khiến cho công ty thiệt hại và lãng phí rất lớn, trong khi nhiều DN khác muốn được chia sẻ điện.

“Nếu cho tự sản tự tiêu thì có thể không bán điện lên lưới, nhưng được bán cho tổ chức, cá nhân khác dùng chung để tránh lãng phí điện năng, cũng giúp EVN đỡ áp lực đầu tư nguồn điện”, ông Nam nói.

GS Lê Chí Hiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM bày tỏ đồng tình với chủ trương “điện mặt trời áp mái phải tự sản tự tiêu” trong quy hoạch điện VIII, nhưng nhấn mạnh: Nếu không quy định cụ thể khái niệm này sẽ dẫn đến việc không thành công.

“Nếu chỉ nghĩ đến làm điện mặt trời ở mái nhà các hộ dân, công sở thì không giải quyết được vấn đề gì. Muốn có kết quả, đóng góp sản lượng lớn vào hệ thống điện quốc gia thì phải suy nghĩ về quy mô của điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp. Chúng ta cũng phải tổ chức xây dựng hệ thống liên kết giữa các DN trong một khu công nghiệp khi họ lắp đặt điện mặt trời trên mái, tránh lãng phí nguồn điện tạo ra được từ mặt trời”, ông Lê Chí Hiệp chia sẻ.

Bộ Công Thương nói gì?

Trước nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương cần mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi như mái nhà khu công nghiệp, bệnh viện, trường học... một lãnh đạo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã trao đổi về vấn đề này.

Theo đó, tại dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN vừa được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 107/BC-BCT ngày 26/7/2023, đối tượng đã đề xuất áp dụng là nhà dân và cơ quan công sở.

Về hai đối tượng này, thứ nhất, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN cho các đối tượng áp dụng là nhà dân và cơ quan công sở.

Thứ hai, lắp đặt ĐMTMN để tự sản tự tiêu, tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.“Đối với các đối tượng khác như ĐMTMN trên mái trụ sở DN, nhà xưởng, bệnh viện, trường học... Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích để áp dụng cho các đối tượng vừa nêu”, vị này nói.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho biết, việc chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay, cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện, nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối và đặc biệt là đảm bảo cho hệ thống điện vận hành an toàn. Trừ những hệ thống ĐMT độc lập (mini grid), có trang bị lưu điện và không đấu nối với lưới điện quốc gia thì không bị giới hạn phát triển.

Trong tương lai, khi hệ thống điện phát triển thêm nhiều nguồn điện chạy nền và nhất là nguồn điện linh hoạt thì sẽ tạo điều kiện để tích hợp nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời (bao gồm cả ĐMTMN là nguồn điện có tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết).

Bên cạnh đó, mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1 MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành; chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày.

Hiểu đúng về “tự sản tự tiêu”

Khi Bộ Công Thương ra tờ trình ĐMTMN chỉ áp dụng với nhà dân, công sở, nhiều ý kiến băn khoăn phải chăng các nhà máy ở khu công nghiệp cũng không được lắp ĐMTMN, ngay cả tự sản tự tiêu.


Nhưng thực tế lại khác so với suy nghĩ của nhiều người. Thời gian qua, sau khi giá ưu đãi (FiT) cho ĐMTMN kết thúc vào 31/12/2020 nhiều nhà máy vẫn lắp ĐMTMN theo nguyên tắc “tự sản tự tiêu” theo phương án hợp tác mua bán điện PPA (Power Purchase Agreement). DN chỉ cần đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng, môi trường.

Chẳng hạn, tháng 6/2023, GreenYellow Vietnam thông báo đã hoàn thành dự án điện mặt trời áp mái cho Công ty Cổ Phần Xích Líp Đông Anh (Dong Anh C&F) với tổng công suất dự án là 750 kWp. Công ty này cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái cho Tổng công ty May Bắc Giang (LNG). Hay hồi tháng 7, Công ty TNHH Công nghiệp Chiến Thắng (Chiến Thắng Aluminum) cũng thông báo hệ thống điện mặt trời 1,5 MWp cũng sẽ được lắp đặt trên mái nhà máy này.

Từ những dẫn chứng trên, một chuyên gia am hiểu về điện mặt trời áp mái khẳng định: Nếu có cơ chế nối lưới và bán điện thừa cho EVN thì DN mới phải đợi chính sách, còn nếu lắp đặt điện mặt trời để tự dùng thì không cần phải có có chính sách nào. Bộ Công Thương cần phải minh định rõ vấn đề này để người dân, DN có thể yên tâm đầu tư, lắp đặt ĐMTMN tự dùng. Tuy nhiên, về lâu dài cần có chính sách cụ thể liên quan đến nối lưới và bán điện thừa cho EVN để tránh lãng phí điện mặt trời khi DN không sử dụng hết lượng điện sản xuất.

Trước câu hỏi các dự án ĐMTMN các công trình như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn… không phát điện lên lưới, không gây áp lực lên hệ thống truyền tải, EVN cũng không mua lại thì tại sao lại cấm cản, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay quan điểm này có cả sai và đúng.

Cụ thể, sai là nhà nước không cấm nhưng cần phải kiểm soát để bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống điện quốc gia. Do ĐMTMN nếu có liên kết với lưới điện quốc gia (đấu nối sau công tơ) thì sẽ gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia. Ý đúng ở đây là ĐMTMN sẽ không gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia nếu nguồn này độc lập, không có sự liên kết với lưới điện, nghĩa là phụ tải và nguồn phát điện độc lập với lưới điện, hoạt động không phụ thuộc vào sự có hay không có điện trên lưới điện quốc gia. “Trong trường hợp này nhà nước không cấm và cũng không cần phải kiểm soát”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khẳng định.


Duyên Hải/vietnamfinance.vn

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/hieu-dung-ve-tu-san-tu-tieu-cua-dien-mat-troi-mai-nha-20180504224288020.htm