Còn gần 1.600 xe buýt chạy diezel cần thay thế
Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876 ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tỷ lệ xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG, điện trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khiêm tốn
Ông Đỗ Phan Anh - Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Hà Nội là thành phố triển khai Quyết định số 876. Nhờ đó, số lượng đoàn phương tiện xanh của Hà Nội đang nhiều nhất, chiếm ưu thế nhất. Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo tích cực của cấp có thẩm quyền thành phố. Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỷ lệ chuyển đổi đạt 50 - 60%, dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi đạt 90 - 100%. Như vậy, so với Quyết định 876, dự kiến Hà Nội đi sớm hơn 15 năm so với yêu cầu.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay Hà Nội có tới 2.034 xe buýt trợ giá, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch (bao gồm 139 xe CNG (sử dụng khí thiên nhiên nén - Compressed Natural Gas) và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng lưới), trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên, còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu diezel cần thay thế. Trong khi đó, chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh cao gấp 2 - 4 lần so với xe buýt diesel đang là những khó khăn, thách thức lớn.
Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp. Đó còn chưa kể, để chuyển đổi toàn bộ xe buýt của Hà Nội sang phương tiện sử dụng CNG và điện thì hạ tầng điện chưa rõ ràng, chưa có cơ sở để các doanh nghiệp an tâm khi bỏ tiền đầu tư. Bởi vậy, mục tiêu của Hà Nội xanh hóa toàn mạng lưới xe buýt vào năm 2035 (tức là chỉ còn 11 năm nữa) khiến nhiều người hoài nghi, các doanh nghiệp vận hành buýt truyền thống hiện nay cũng dè dặt.
Nhiều rào cản
Vậy Hà Nội đã và sẽ làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này? Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành thuộc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết 07/2019 về việc ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô… áp dụng công nghệ cao trong công tác quản lý, điều hành GTVT. Trong đó, ưu tiên sử dụng phương tiện sạch trong đấu thầu, đặt hàng, mở các tuyến xe buýt mới, cùng đó là các chính sách ưu đãi về lãi suất vay, đầu tư phương tiện.
Đến nay, Hà Nội đã vận hành 10 tuyến xe buýt CNG, 9 tuyến xe buýt điện đầu tiên trên cả nước. Tỷ lệ sử dụng phương tiện năng lượng xanh của Hà Nội hiện nay khoảng 13,6%. Thống kê cho thấy, với 9 tuyến vận hành xe buýt điện, sản lượng đạt được năm 2023 khoảng 19,6 triệu lượt hành khách, tăng 16,9% so với kế hoạch năm 2023 và tăng 136% so với cùng kỳ. “Qua hơn 1 năm đưa các phương tiện vào sử dụng, chúng tôi nhận thấy nhân dân và hành khách đi xe buýt đều ủng hộ, đánh giá cao về chất lượng dịch vụ. Xe buýt vận hành êm ái, không dầu mỡ, khí thải, bên trong có hệ thống âm thanh, đèn led, thái độ nhân viên lịch sự, thân thiện”- ông Phạm Đình Tiến cho hay.
Hiện nay, Hà Nội cũng đã đưa vào một loạt những cơ chế để quản lý loại hình này, điển hình là Nghị quyết 07 đã có những chính sách ưu tiên cho các phương tiện năng lượng sạch. Tuy nhiên, quá trình vận hành sẽ có nhiều vấn đề, cần tiếp tục điều chỉnh những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển của loại hình phương tiện này. Đặc biệt, Hà Nội cũng đã chỉ đạo, xây dựng ngay đơn giá định mức cho loại hình phương tiện mới, đây là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ từ đó quyết định lượng hành khách sử dụng. Cùng đó, cần có những điều chỉnh tuyến, điều chỉnh mô hình quản lý (trong đó có quản lý vé).
Muốn xanh hóa toàn mạng lưới buýt Hà Nội vào năm 2035, rất cần sự quyết tâm lớn từ thành phố và các doanh nghiệp
Theo ông Phạm Đình Tiến, việc chuyển đổi phương tiện xe buýt sang phương tiện xanh, sạch có nhiều khó khăn. Có thể kể đến 3 thách thức chính. Thứ nhất là vốn đầu tư. Theo tính toán, chi phí đầu tư phương tiện xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel. Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp. Kèm theo đó là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển.
Thách thức thứ hai là việc chuyển đổi đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho phương tiện xanh. Thứ ba là hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện, phục vụ quá trình chuyển đổi xe buýt xanh. Sở GTVT đã làm việc với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty khí Việt Nam để trao đổi, khảo sát, tính toán nguồn cấp điện làm cơ sở cho lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh. Qua các thông tin trao đổi cho thấy, các công ty điện lực cũng có những giải pháp phục vụ trước mắt cho kế hoạch chuyển đổi đến năm 2030.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết thêm, có thể nói trong việc triển khai Quyết định 876 của Chính phủ, Sở GTVT Hà Nội đã đi đầu khá tích cực, đưa vào vận hành các phương tiện xanh, sạch. Hiện nay, tại Hà Nội đã có tuyến xe buýt sử dụng CNG và xe buýt điện. Phương tiện xanh là phương tiện sử dụng nhiên liệu tái tạo, có hiệu suất cao, có ứng dụng công nghệ thông minh, có tác động tích cực, giảm thiểu tác hại cho môi trường.
Dù vậy, ông Nguyễn Hoàng Hải cũng thừa nhận như ông Phạm Đình Tiến về 3 rào cản đối với phát triển xe buýt xanh. Trong đó, để xây dựng hạ tầng nguồn điện, trạm sạc cho phương tiện xanh, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của ngành điện. Các depot của xe buýt điện đều cần hệ thống sạc rất lớn đủ cho đoàn xe hoạt động 2 ca/ngày; trạm biến áp sử dụng cũng phải là trạm biến áp trung áp. Vì vậy, cần phải đưa vào quy hoạch của ngành điện về hạ tầng điện dành cho phương tiện xanh để đủ đáp ứng nhu cầu cho mạng lưới xe buýt xanh và cả các phương tiện khác.
Với lộ trình chuyển đổi 2.000 xe buýt điện trong 15 năm, trung bình mỗi năm Hà Nội phải thay thế 160 phương tiện, chưa kể tuyến mới khi đấu thầu thì phương tiện cũng phải là xe xanh, sạch. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, bên cạnh cơ chế, chính sách cũng cần quan tâm đến đầu tư cho chuyển đổi công nghệ, nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cũng cần phải chủ động trong vấn đề này. Ngoài ra, cần chọn lộ trình sao cho phù hợp, phương tiện nào hết hợp đồng, hết tuổi thọ thì mới chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh, sạch, sao cho giữ được ổn định trong hoạt động của mạng lưới.
Bổ sung ý kiến, ông Phan Anh cho biết: “Từ lúc tiếp cận Quyết định 876, chúng tôi đã nhận diện một số vấn đề như các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các văn bản pháp lý liên quan để triển khai loại hình mới. Cùng đó là nguồn lực đầu tư, như cơ chế chính sách, cơ chế đầu tư hạ tầng trạm sạc, các vấn đề về giao thoa trong chuyển đổi giữa phương tiện cũ và mới. Giai đoạn từ khi triển khai tới nay, Sở GTVT Hà Nội đã dần hình thành phương pháp, lộ trình chuyển đổi, cố gắng bám sát Quyết định 876”.
Ngân Tuyền/www.anninhthudo.vn
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-no-luc-xanh-hoa-mang-luoi-xe-buyt-vao-nam-2035-post559877.antd