Năm 2021 được đánh dấu bởi lạm phát và giá năng lượng tăng cao trên toàn thế giới. Giá khí đốt đã thiết lập mới ở châu Âu. Giá điện tăng 8 lần so với đầu năm. Giải pháp nào thoát khỏi vòng xoáy đó?
Ảnh minh hoạ
Hiện tại, các biện pháp không nhiều, đặc biệt là khi triển vọng còn mờ mịt. Patrice Geoffron, giáo sư kinh tế Đại học Paris - Dauphine, giải thích: “Có những yếu tố đi ngược chiều nhau, vì vậy rất khó để có một ý tưởng rõ ràng về giá năng lượng có thể là bao nhiêu trong quý đầu tiên của năm 2022. Diễn biến của giá năng lượng trong những tháng tới sẽ phụ thuộc một phần vào sự khắc nghiệt của mùa đông ở Bắc bán cầu. Tác động đến nền kinh tế của biến thể Omicron cũng có thể gây ra hậu quả. Nếu hoạt động kinh tế chậm lại, nhu cầu năng lượng sẽ giảm và điều này sẽ kéo giá xuống”.
Thomas Pellerin-Carlin, Giám đốc Trung tâm Năng lượng thuộc Viện Jacques - Delors, nói: “Giá cả phụ thuộc vào nguồn cung, do đó phụ thuộc vào sản lượng được các nước sản xuất đưa ra và theo nhu cầu thế giới. Nhu cầu đó chủ yếu được xác định bởi Mỹ, Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam bán cầu”.
Một trong những lựa chọn ngắn hạn hiếm hoi được ông Thomas Pellerin-Carlin đưa ra là đàm phán lại. Thomas Pellerin - Carlin nói: “Một điều có thể làm được và đã được EU cố gắng một phần, đặc biệt là về vấn đề khí đốt, là tìm một thỏa thuận với các đối tác để họ tăng xuất khẩu. Người Na Uy chấp nhận, người Algeria chấp nhận tăng thêm một chút, Mỹ không trả lời và Nga nói không vì họ đã giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu”.
Để nguồn cung tăng lên và hạn chế khủng hoảng, một phương án khác đã được châu Âu xem xét. Mỹ, nơi giá xăng dầu đã tăng vọt và các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đã xả kho dự trữ dầu chiến lược.
Nhưng Patrice Geoffron không thực sự bị thuyết phục với phương pháp này, ông nói: “Đó là chỉ là những phương pháp dùng một lần và không thể tái sử dụng. Có chăng chỉ là ý tưởng để gửi một tín hiệu đến thị trường. Nhưng tác động khá hạn chế vì lượng dầu dự trữ chiến lược của các nước nhập khẩu OECD tương ứng với mức tiêu thụ trong 3 tháng. Điều đó không có khả năng thay đổi tình hình. Ngoài ra, liên quan đến khí đốt, hiện tại một số khu vực của châu Âu có lượng dự trữ thấp hơn so với đầu mùa đông trước. Đó cũng là một vấn đề đáng quan tâm”.
Theo yêu cầu của Tây Ban Nha, Hy Lạp và Romania, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất thiết lập một cơ chế cho phép mua khí đốt theo nhóm. “Nhưng điều này cũng chỉ là giải pháp bên lề” - Jacques Percebois, giáo sư danh dự tại Đại học Montpellier, nhận xét.
Đối với các nước nhập khẩu, các biện pháp chính trị nhằm đóng băng giá cả năng lượng cuối cùng vẫn là một trong những lựa chọn đơn giản nhất trong ngắn hạn. Một số chính phủ, bao gồm cả Italia, Pháp, Tây Ban Nha, đã đóng băng hoặc hạn chế việc tăng giá năng lượng, đôi khi bằng cách giảm thuế.
Vào tháng 2-2021, giá điện ở Pháp đã tăng 4%. Theo nhiều chuyên gia, nếu không có sự can thiệp của chính phủ, mức tăng có thể lên tới 20%. Nhưng biện pháp can thiệp có thể gây ra tác dụng phụ. Một số nhà khai thác nhất định sẽ không thể chống chọi lâu dài. Chính phủ phải giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền. Trong mọi trường hợp, mức tăng giá năng lượng sẽ đến sau. Chính phủ Pháp sẽ phải tìm các khoản tín dụng cần thiết để giúp các nhà cung cấp năng lượng có sức kháng cự. Nhiều chuyên gia hy vọng điều này sẽ không gây tốn kém hơn 4-5 tỉ euro đối với tài chính công của Pháp.
Như một giải pháp cho người tiêu dùng, các chuyên gia gợi ý: Nên quay trở lại các hợp đồng dài hạn để ổn định giá cả. Bởi chỉ một năm trước, dưới tác động của cuộc khủng hoảng, giá đã giảm xuống rất thấp. Điều này cũng đã được Nga đề xuất với châu Âu. Nhưng EC gần đây cũng đã khẳng định sẽ không tiếp tục gia hạn các hợp đồng mua khí đốt dài hạn với Nga.
Một giải pháp lâu dài khác để tránh những cú sốc về giá năng lượng: Thay đổi thói quen tiêu dùng, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Chẳng hạn, nhà ở cần được cách nhiệt tốt hơn. Điều này có thể dẫn đến việc tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Giải pháp thoát khỏi vòng xoáy giá năng lượng
Vì thiếu hiệu quả, những hạn chế sử dụng năng lượng trong thời điểm này cũng là điều nên làm. Các công ty sử dụng nhiều năng lượng cũng có thể làm điều tương tự. Nhà máy Nyrstar ở Auby, miền Bắc nước Pháp, nhà máy sản xuất kẽm cuối cùng ở Pháp với 300 nhân viên, sẽ ngừng hoạt động vào ngày 2-1-2022 trong ít nhất 2 tháng. Xưởng đúc nhôm lớn nhất nước Pháp, Aluminium Dunkerque, đã giảm sản lượng.
Về lâu dài, các nước nhập khẩu ít năng lượng nhất cần thay đổi về bản chất của năng lượng tiêu thụ. Thomas Pellerin-Carlin giải thích: “Cách duy nhất ra khỏi một cuộc khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch là thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Khi đó, lợi ích của kinh tế và sinh thái hòa làm một”. Những quốc gia này cần triển khai nhanh các giải pháp sản xuất năng lượng an toàn và không hóa thạch, chú trọng tới năng lượng tái tạo và năng lượng nguyên tử, với các thời hạn khác nhau tùy thuộc vào các giải pháp được lựa chọn. Chẳng hạn, theo thứ tự từ 1 đến 2 năm đối với năng lượng mặt trời, khoảng 5 năm đối với trang trại điện gió và 10 năm đối với nhà máy điện hạt nhân mới.
Về ngắn hạn, theo Thomas Pellerin-Carlin, châu Âu cần tính đến khả năng triển khai máy nước nóng năng lượng mặt trời. Máy nước nóng năng lượng mặt trời đã rất phát triển ở một số quốc gia như Áo hoặc Israel. Vì hệ thống sưởi ấm bằng nước nóng chiếm 15% năng lượng tiêu thụ trong các tòa nhà, đây là con số không nhỏ.
S.Phương
https://petrotimes.vn/giai-phap-thoat-khoi-vong-xoay-gia-nang-luong-638732.html