Giá điện châu Âu lại âm vì dư điện mặt trời

Khi sản lượng điện mặt trời tiếp tục tăng, giá điện bán buôn tại châu Âu rơi xuống mức âm thường xuyên hơn và thực tế cho thấy đã có những doanh nghiệp bán điện thừa nhận, họ thà trả thêm tiền để người dân dùng điện nhiều hơn thay vì phải tạm dừng hệ thống trong vài giờ vì lượng điện mặt trời hòa vào lưới điện quá dư.
 

Các kỹ sư lắp đặt tấm pin điện mặt trời trên mái nhà ở vùng Auvergne-Rhône-Alpes (Pháp). Ảnh: Bloomberg

Các kỹ sư lắp đặt tấm pin điện mặt trời trên mái nhà ở vùng Auvergne-Rhône-Alpes (Pháp). Ảnh: Bloomberg

Thời gian qua, châu Âu chứng kiến cuộc đua trong xây dựng, lắp đặt trang trại điện mặt trời để giảm bớt và tiến tới thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch. Bloomberg dẫn số liệu của Công ty Epex Spot SE cho thấy, giá điện trong ngày ở Đức, thị trường điện lớn nhất châu lục này, chuyển sang mức âm trong khoảng thời gian từ 13 giờ - 15 giờ ngày 4-7.

Giá điện sẽ “âm” thường xuyên hơn

Sản xuất điện tái tạo tại châu Âu được đánh giá sẽ ổn định, nhất là với khoản trợ cấp nhằm khuyến khích thêm các nhà sản xuất loại năng lượng này đang được triển khai tại nhiều nước. Vì thế, đôi khi việc một công ty điện trả tiền để người dân dùng điện nhiều hơn sẽ là lựa chọn tiết kiệm hơn với họ so với việc phải tạm dừng hệ thống trong một hoặc hai tiếng vì quá tải nguồn cung. Thực tế, một số sản lượng điện tái tạo, như điện mái nhà ở Hà Lan, vẫn đang được trả tiền bất kể giá bán điện trên thị trường như thế nào.

Những nhân tố vừa nêu đã giúp giá điện tái tạo rơi xuống mức dưới 0 thường xuyên hơn. Mức sụt giá mới nhất này được ghi nhận sau khi giá điện cũng lập kỷ lục ở mức thấp nhất trong dịp cuối tuần qua tại châu Âu. Dù vào thứ Bảy và Chủ nhật nhu cầu sử dụng giảm nhưng việc giá điện cũng rơi xuống 0 vào những ngày giữa tuần vẫn là chuyện lạ. Ngày 5-7, giá điện cũng ở mức âm tại Đức, Đan Mạch và Hà Lan. Nếu không có những thay đổi lớn về nhu cầu sử dụng, giá điện âm sẽ trở thành thực tiễn phổ biến hơn trong thời gian tới tại Liên minh châu Âu (EU).

Năm nay, theo nghiên cứu của Ngân hàng HSBC, châu Âu sẽ lắp đặt các tấm pin điện mặt trời mới với tổng công suất 60 gigawatt, tăng thêm 1/3 so với kỷ lục của năm ngoái, qua đó tạo cơ hội để người tiêu dùng có thể tranh thủ khoảng thời gian giữa ngày sử dụng năng lượng tái tạo cho các nhu cầu của mình với giá ưu đãi nhất.

Điện tái tạo sẽ ngày càng rẻ

Cùng với sự gia tăng số tấm pin điện lắp đặt trên toàn châu Âu, các lưới điện từ Anh tới Pháp và Đan Mạch đều đang quá tải với nguồn cung điện giá rẻ. Giá điện giảm còn -500 euro/megawatt trong một số khoảng thời gian tại Đức và Hà Lan ngày 2-7. Ngày hôm sau, tiếp tục nhiều lúc trong ngày giá điện cũng xuống mức âm, một điều khá lạ khi vào những ngày làm việc trong tuần nhu cầu dùng điện vẫn luôn cao hơn cuối tuần.

Giá điện âm vốn là chuyện “thường ngày” trong mùa hè và trong các dịp nghỉ lễ nếu trời nhiều gió. Tuy nhiên hiện tại, việc “bùng nổ” số tấm pin điện cũng tạo ra mức dư thừa điện sạch tương tự. Các đơn vị quản lý lưới điện có thể chọn cách trả tiền để giảm bớt nguồn cung hoặc tăng thêm nhu cầu. Sự tăng vọt nguồn cung điện sạch bỏ xa nhu cầu tiêu dùng năng lượng thực tế, điều này cũng phản ánh phần nào khó khăn của các lưới điện trong lưu trữ lượng lớn nguồn điện tái tạo. “Chúng tôi chứng kiến sự bùng nổ về điện mặt trời ở khắp trung Âu, điều này sẽ đóng vai trò rất lớn đối với sự thay đổi đáng kể của giá điện”, ông Andreas Gandolfo, chuyên gia phân tích tại Công ty BloombergNEF, nói.

Những gì đang diễn ra với giá điện tái tạo ở châu Âu vốn nằm trong lộ trình ước tính của các chuyên gia nghiên cứu năng lượng sạch. Ngay từ năm 2015, Viện Fraunhofer về Hệ thống năng lượng mặt trời (ISE) của Đức nhận định: “Trong vài năm tới, các nhà máy điện mặt trời sẽ cung cấp nguồn điện giá rẻ nhất tại nhiều khu vực trên thế giới. Tới năm 2025, chi phí sản xuất điện ở trung và nam Âu sẽ giảm xuống chỉ còn từ 4-6 cent/Kilowatt giờ (kWh), và tới năm 2050 còn chỉ còn từ 2-4 cent/kWh.

El Nino đã bắt đầu
Cơ quan khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc ngày 4-7 thông báo, hiện tượng thời tiết El Nino đã bắt đầu xuất hiện, đồng thời cảnh báo điều này sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng cao, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. WMO ước tính, có tới 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài cho tới hết nửa cuối năm nay và dự kiến sẽ diễn ra với cường độ ít nhất là trung bình. “Việc EL Nino bắt đầu xuất hiện sẽ làm tăng đáng kể khả năng phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ và gây ra nắng nóng cực đoan hơn tại nhiều khu vực trên thế giới cũng như trên biển”, ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO, nói.
Ngày 3-7 là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu, theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo Môi trường Mỹ (NCEP). NCEP tính toán, nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày 3-7 là 17,01°C, vượt qua kỷ lục trước đó vào tháng 8-2016 là 16,92°C.


TRẦN ĐẮC LUÂN/baodanang.vn

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5408/202307/gia-dien-chau-au-lai-am-vi-du-dien-mat-troi-3948100/