Năm 2022 cuộc khủng hoảng năng lượng đã tác động mạnh mẽ tới nên kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng do các nước sản xuất dầu cắt giảm sản lượng, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, khủng hoảng Nga - Ukraine. Dự báo năm 2023, vấn đề năng lượng, nhất là nguồn cung dầu vẫn là thách thức với các nước tiêu thụ, giá dầu tiếp tục tăng cao trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về thị trường và địa chính trị.
Khủng hoảng năng lượng
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu 2021-2022 bắt đầu sau hậu quả của đại dịch Covid-19 vào năm 2021, trong đó phần lớn thế giới phải đối mặt với sự lên xuống thất thường của giá dầu, khí đốt và thị trường điện. Cuộc khủng hoảng do nhiều yếu tố kinh tế, tình trạng thiếu lao động, xung đột và biến đổi khí hậu gây ra và do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Ukraine - Nga. Tình trạng thiếu khí đốt đặc biệt dẫn đến giá lương thực cao hơn và tăng sử dụng than.
Phản ứng của các chính phủ trên khắp thế giới đối với cuộc khủng hoảng năng lượng là cục bộ và nhìn chung là không hiệu quả. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu là cuộc khủng hoảng mới nhất, trong một loạt các đợt thiếu hụt năng lượng theo chu kỳ đã xảy ra trong 50 năm qua. Cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng sâu sắc nhất đến châu Âu và các nước tiêu thụ lớn năng lượng dầu mỏ.
Khan hiếm nguồn cung nhiều hơn vào năm 2023 và giá dầu tăng cao
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế - Fatih Birol dự báo, thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu sẽ khan hiếm nguồn cung nhiều hơn vào năm tới, với sự gia tăng nhập khẩu của châu Âu và khả năng phục hồi nhu cầu của Trung Quốc.
Ông Birol lưu ý rằng, thế giới đang ở giữa "cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên”, đồng thời chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể là một bước ngoặt trong lịch sử để thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch và hình thành một hệ thống năng lượng bền vững, an toàn.
Theo ông Birol an ninh năng lượng là động lực đầu tiên của quá trình chuyển đổi năng lượng khi các quốc gia coi công nghệ năng lượng và các nguồn tái tạo là giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã tuyên bố rằng, các biện pháp hợp lý hóa mức tiêu thụ khí đốt ở châu Âu sẽ là "quyết định" trong mùa Đông này, để duy trì lượng dự trữ đủ trong trường hợp khí đốt ở Nga bị cắt hoàn toàn. Cơ quan này dự kiến mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu sẽ giảm 0,8% trong năm hiện tại và chỉ tăng 0,4% trong năm tới.
Trong khi đó, các chuyên gia dự báo giá dầu sẽ tăng lên gần 90 USD/thùng trước cuối năm nay và dao động quanh mức 100 USD/thùng trong quý đầu tiên của năm 2023. Kỳ vọng này là do nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại và “sự thất bại” trong quyết định của Nhóm G7, Australia và Liên minh châu Âu trong việc áp đặt mức trần đối với giá một thùng dầu thô của Nga cùng với việc thiếu hụt sản xuất.
Mức trần đối với giá một thùng dầu thô của Nga sẽ tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt sản lượng. Đặc biệt, nếu Nga cam kết ngừng xuất khẩu sang các nước sẽ áp dụng mức trần và điều này có thể xảy ra sau (OPEC+), tổ chức xem xét mức giá tối đa so với lợi ích của đại đa số các thành viên, những người cần giá dầu thô Brent từ 100 USD trở lên để cân bằng ngân sách của họ.
OPEC+ sẽ giữ nguyên mức cung và duy trì sự cân bằng thị trường
Các chuyên gia dự báo, giá dầu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu mạnh mẽ trong suốt năm 2023. Theo báo cáo hàng tháng của OPEC, nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2,3%, sau khi tăng 2,55 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Trước đó, OPEC+ đã thực hiện cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày, được công bố vào tháng 10. OPEC+ đang thực hiện các cam kết chung để duy trì sự cân bằng của thị trường toàn cầu.
Nhóm OPEC+ gồm 23 quốc gia, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga mới đây đã quyết định giữ nguyên mức cung vào đầu năm 2023, giúp nhóm có thêm thời gian để đo lường tác động của việc cắt giảm. Nhóm này cũng sẵn sàng can thiệp bất cứ khi nào cần thiết và một ủy ban cấp bộ có ảnh hưởng sẽ họp lại vào tháng 2/2023, với thẩm quyền triệu tập các cuộc họp bất thường của "OPEC+" để đưa ra các chính sách mới.
Là các nhà cung cấp dầu chính cho toàn cầu, nhóm OPEC+ đã thành công trong việc vẽ ra các đặc điểm của thị trường dầu mỏ trong năm 2023, trong đó sẽ chứng kiến giá dầu tăng đáng kể, có thể lên tới 110 USD/thùng. OPEC dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 không thay đổi ở mức 2,5%, đồng thời chỉ ra các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm, do những thách thức bao gồm lạm phát gia tăng, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, chuỗi cung ứng khó khăn.
Hơn nữa, rủi ro địa chính trị và đại dịch covid-19 vẫn chưa kết thúc. Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào dầu mỏ của các quốc gia là rất lớn, nhất là các nước tiêu thụ lớn cùng với đó là các tác động về địa chính trị. Thế giới sẽ chứng kiến những biến động của thị trường dầu mỏ khi nguồn cung bị hạn chế và cắt giảm./.