Gỡ “nút thắt” cho phát triển năng lượng tái tạo

Thị trường năng lượng tái tạo đang rơi vào trạng thái “ngủ đông” để chờ chính sách mới...
Quy hoạch điện 8 sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Quy hoạch điện 8 sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Theo tính toán, công suất nguồn năng lượng tái tạo (cả thuỷ điện) hiện nay khoảng 46.834 MW chiếm 56% công suất nguồn điện. Trong đó có 7.605 MW công suất nguồn điện gió đã hoàn thành (4.126 MW đã vào vận hành và hưởng giá FIT, còn 62 dự án với tổng công suất 3.479 MW đã ký PPA với EVN nhưng do giá FIT hết thời hạn nên chưa có giá bán điện).

Bên cạnh đó, có 16.545 MW tổng công suất nguồn điện mặt trời, có 22.910 MW tổng công suất các nguồn thuỷ điện (tăng hơn 2,5 lần so với 10 năm trước), 310 MW công suất điện sử dụng bã mía tại các nhà máy đường, đang đầu tư 170 MW công suất nguồn điện sử dụng trấu và phụ phẩm của gỗ.

BA ĐIỂM NGHẼN LỚN

Mặc dù vậy, tại diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới” chiều 6/01/2023, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng đến thời điểm hiện tại các chính sách liên quan như Quy hoạch điện 8 chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai chiến lược cũng như các bước tiếp theo.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tăng trưởng năng lượng tái tạo đạt 27% nhưng vẫn còn một số dự án năng lượng tái tạo chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào các dự án năng lượng tái tạo nhưng chưa khai thác vẫn đang phải chịu lãi suất ngân hàng hoặc chưa thể thu hồi vốn.

Gỡ “nút thắt” cho phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 1

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đang đối mặt với 3 điểm nghẽn lớn.

Thứ nhất, các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo chưa đưa ra được định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập. Cụ thể, với dự án điện sinh khối, các dự án đồng phát chỉ hoạt động trong vụ mùa ép mía (4-5 tháng), thời gian còn lại trong năm (7-8 tháng) ngừng hoạt động.

Các dự án điện đồng phát có thể điều chỉnh kỹ thuật để tiếp tục hoạt động như nhà máy điện sinh khối sử dụng nguyên liệu khác như gỗ vụn, vỏ cây, phụ phẩm nông nghiệp… để phát điện. Song nếu giá điện vẫn ở mức như điện đồng phát, hoạt động này sẽ không khả thi về mặt kinh tế do phải tăng thêm chi phí mua nhiên liệu sinh khối.

Với các dự án điện gió và điện mặt trời hiện cơ chế hỗ trợ hết hiệu lực từ ngày 1/11/2021, chưa có chuyển tiếp nên 62 dự án/phần dự án điện gió đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào vận hành do chưa có cơ chế giá.

Các dự án năng lượng tái tạo còn gặp khó khăn từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo có thể kết hợp sản xuất điện với sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn phải thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến kéo dài thực hiện, chưa tạo được sự đồng thuận của người nông dân.

Thứ hai, những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật như chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải. Các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện…

Thứ ba, khó khăn về tài chính. Các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khó hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài. Các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.

CẦN NHỮNG CHÍNH SÁCH CỤ THỂ, KỊP THỜI

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất cần phải có những chính sách cụ thể, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hiện nay cơ chế giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió - hai nguồn chủ lực trong năng lượng tái tạo đã hết hiệu lực, cần đưa ra định hướng trong giai đoạn tiếp theo.

Với các dự án năng lượng chuyển tiếp, trong thời gian chờ tính toán khung giá phát điện, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện tạm tính, cho phép EVN huy động các nhà máy điện chuyển tiếp và thanh toán tiền điện theo mức giá bán điện tạm tính. Doanh thu bán điện của các dự án sẽ được điều chỉnh lại theo giá bán điện chính thức.

Đối với dự án điện sinh khối đồng phát, Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh Quyết định 08/2020 theo hướng ngoài vụ sản xuất mía đường, khi không hoạt động theo cơ chế đồng phát nhiệt – điện, nhà máy sẽ hoạt động như nhà máy điện sinh khối, giá mua điện theo giá điện sinh khối.

Cùng với đó là các đề xuất liên quan việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho công nghệ năng lượng tái tạo; áp dụng cơ chế sử dụng đất cho phát triển năng lượng tái tạo; các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của các dự án năng lượng tái tạo biến đổi.

PGS TS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản, đồng tình với những khó khăn về giá FIT, cơ chế đấu thầu, truyền tải điện… đòi hỏi các cơ quan quản lý cần nhanh chóng có những chính sách cụ thể, thiết thực.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng cục Điện lực & Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương), thông tin Bộ Công Thương đang nỗ lực rà soát, hoàn thiện Quy hoạch điện 8 thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 với những ưu tiên chính về phát triển nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

Đồng thời, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Trao đổi thêm, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết hiện nay Quy hoạch điện 8 đã được Bộ Công Thương trình và đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Vũ Khuê/vneconomy.vn

Nguồn:https://vneconomy.vn/go-nut-that-cho-phat-trien-nang-luong-tai-tao.htm