EVNGENCO2: Cổ phần hóa để bứt phá trong lĩnh vực phát điện

Sau hơn nửa năm chuyển sang mô hình doanh nghiệp cổ phần theo chủ trương của Chính phủ, Tổng công ty Phát điện 2 – CTCP (EVNGENCO2) đã có những cơ hội bứt phá để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, cùng với đó là nhiều khó khăn và thách thức mà đơn vị này phải vượt qua.

Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1, nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 thuộc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (EVNGENCO2). Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Bước ngoặt mới để trở thành đơn vị đi đầu trong lĩnh vực phát điện

Chủ tịch Hội đồng quản trị EVNGENCO2 Trần Phú Thái cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Tổng công ty mẹ (EVNGENCO2) đạt 3.754,7 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch năm và tăng trưởng gấp 6 lần so với năm 2020.

Riêng 6 tháng cuối năm 2021, khi bước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, EVNGENCO2 đã hoạt động lãi 1.648 tỷ đồng, còn với hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, Công ty mẹ EVNGENCO2 tính đến ngày 31/12/2021 chỉ còn khoảng 1,1 lần, bảo đảm điều kiện giải ngân vay vốn của các ngân hàng. Chỉ tiêu này khi hợp nhất toàn EVNGENCO2 là 1,13 lần.

Đến nay, các dự án đầu tư của EVNGENCO2 đều có lợi nhuận ổn định và có khả năng hoàn vốn đầu tư tốt. Tổng công ty dự kiến sẽ tái đầu tư mở rộng sản xuất thông qua các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo góp phần bảo đảm nhu cầu điện cho nền kinh tế cũng như thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26.

Từ tháng 7/2021, Tổng công ty đã có bước chuyển mình quan trọng khi chính thức chuyển đổi sang mô hình hoạt động công ty cổ phần. "Việc chính thức ra mắt công ty cổ phần được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mới để doanh nghiệp chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một đơn vị đi đầu trong lĩnh vực phát điện của Việt Nam cả về hiệu quả sản xuất kinh doanh và nỗ lực thích ứng và phát triển trong kỷ nguyên hậu COVID-19", Chủ tịch Hội đồng quản trị EVNGENCO2 nhấn mạnh.

Công tác cổ phần hóa đã giúp đổi mới cơ cấu tổ chức và mô hình quản lý của EVNGENCO2 bảo đảm phát triển ổn định trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được, đổi mới nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh, cũng như tận dụng các tiềm lực từ đối tác, nhà đầu tư nhằm mục tiêu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Hiện tại, EVNGENCO2 có thể đa dạng hóa các kênh huy động vốn như tiếp cận nguồn vốn tư nhân dồi dào trên thị trường chứng khoán, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đặc biệt, tình hình tài chính lành mạnh và tỷ suất sinh lợi cao trong năm 2021 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tổng công ty thu hút vốn đầu tư trong tương lai.

Sau khi Tổng công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán UPCOM, các nhà đầu tư tiềm năng đã có thêm một công cụ, thước đo phản ánh tương đối chuẩn xác, hiệu quả hoạt động của EVNGENCO2, đánh giá theo các tiêu chuẩn về tính minh bạch, hiệu quả mà thị trường chứng khoán yêu cầu. Trong thời gian tới, Tổng công ty hướng tới chuyển sang niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức.

Thách thức khi chuyển sang doanh nghiệp cổ phần

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị EVNGENCO2, trong quá trình chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, pháp lý là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Tổng công ty, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến đổi và hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện.

Sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, EVNGENCO2 đã có những điều chỉnh về chính sách phù hợp với các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Những thay đổi này phần nào đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Tổng công ty. Cụ thể như sản xuất thủy điện chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện thủy văn, song thực tế cho thấy, những năm qua, thời tiết ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, đặc biệt khi Việt Nam là một trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Khả năng cung cấp nhiên liệu sơ cấp đầu vào cho ngành điện (bao gồm than/khí) từ nguồn trong nước ngày càng khan hiếm và phải nhập khẩu từ thị trường thế giới. Việc huy động vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện ngày càng khó khăn bởi nguồn vốn vay thương mại trong nước gần như đã chạm hạn mức cho phép cũng như việc khó tiếp cận các nguồn vay ODA và bảo lãnh Chính phủ.

Bên cạnh đó, vấn đề về giá của nguyên liệu đầu vào cũng là một thách thức, rủi ro khá lớn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các nhà máy điện. Trong trường hợp giá than hoặc giá khí lên cao, chi phí phát điện của các nhà máy điện than hoặc điện khí cũng sẽ tăng, từ đó trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh của các nhà máy trên thị trường phát điện cạnh tranh cũng như gián tiếp đến cả phát điện hợp đồng.


Ra mắt Hội đồng quản trị EVNGENCO2. Ảnh; VGP/ Toàn Thắng

Xác định 3 lĩnh vực trọng tâm để bứt phá

Chủ tịch Hội đồng quản trị EVNGENCO2 Trần Phú Thái chia sẻ, với bề dày về năng lực, kinh nghiệm trong công tác đầu tư xây dựng, cùng sứ mệnh không ngừng cung cấp và phát triển nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, EVNGENCO2 xác định việc đầu tư xây dựng nguồn điện mới là lĩnh vực trọng tâm trong tương lai.

Chiến lược hoạt động này sẽ tạo sự bứt phá trong phát triển lâu dài và bền vững. Theo đó, Tổng công ty dự kiến sẽ phát triển các dự án nguồn điện trong tương lai gồm: Dự án nhà máy Turbine khí chu trình hỗn hợp Ô Môn V (1.400 MW); dự án chuyển đổi nhiên liệu nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I sử dụng khí Lô B; dự án Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 3 (660 MW).

Đồng thời, EVNGENCO2 cũng mở rộng công suất các nhà máy thủy điện trực thuộc gồm: Thủy điện Trung Sơn với công suất mở rộng dự kiến 130 MW; thủy điện Quảng Trị dự kiến công suất mở rộng 48 MW; thủy điện Sông Ba Hạ dự kiến công suất mở rộng 60 MW.

Về các dự án điện mặt trời, Tổng công ty có điện mặt trời Quảng Trị công suất dự kiến 30 MWp, cụm điện mặt trời Thác Mơ – 375 MWp (Giai đoạn 2), và các dự án điện mặt trời nổi trên lòng hồ các nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ 200 MWp, Quảng Trị 120 MWp, An Khê 20 MWp và Ka Nak 80 MWp.

Đáng chú ý, ngày 11/7/2021, cùng với việc ra mắt Công ty cổ phần, EVNGENCO2 còn ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sembcorp (Singapore). Việc hợp tác chiến lược này nhằm giúp hai bên chia sẻ kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số và phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong chiến lược vươn lên của mình, EVNGENCO2 xác định ba lĩnh vực trọng tâm là: Hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Để thực hiện chiến lược này, EVNGENCO2 sẽ đặc biệt chú trọng thu hút tài năng và mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng để thực hiện đầu tư các dự án có quy mô lớn cũng như đa dạng hóa hình thức đầu tư.

Về các điều kiện để niêm yết cổ phiếu của EVNGENCO2, Tổng Công ty đang tập trung cho quá trình quyết toán chi phí cổ phần hóa để bàn giao vốn và tài sản sang công ty cổ phần theo quy định mới của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ngay khi có Quyết định phê duyệt vốn và tài sản bàn giao sang Công ty Cổ phần của chủ sở hữu, EVNGENCO2 sẽ hoàn thành hồ sơ niêm yết bổ sung số cổ phiếu của EVN và người lao động trên sàn giao dịch UPCOM và tiến hành đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán lớn hơn nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong vào ngoài nước đầu tư vào EVNGENCO2.

Toàn Thắng

https://baochinhphu.vn/evngenco2-co-phan-hoa-de-but-pha-trong-linh-vuc-phat-dien-102220310093018683.htm