EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển xanh

Phó chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh cả về chuyên môn lẫn tài chính.

Phó chủ tịch Timmermans có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 17 đến 19/2 nhằm trao đổi về các cam kết quan trọng được Việt Nam nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, hồi năm ngoái. Bên cạnh đó, ông cũng tập trung thảo luận về những hỗ trợ Liên minh Châu Âu (EU) có thể cung cấp cho Việt Nam trong nỗ lực nhằm nhanh chóng giảm thiểu khí thải nhà kính, theo thông cáo báo chí của Phái đoàn EU tại Việt Nam.


Phó chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu Frans Timmermans. Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam.

"Việt Nam đã có một bước tiến tham vọng khi đặt mục tiêu đưa lượng phát thải ròng về 0 trước năm 2050. Đây là một mục tiêu quan trọng và đòi hỏi trước nhất việc dừng các kế hoạch mới cho những dự án nhiệt điện than không có công nghệ giữ lại CO2, đồng thời giảm dần sản lượng điện than, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 với 'Tuyên bố Chuyển từ Điện than sang Điện sạch'", ông nói. "EU sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh. Việt Nam có tiềm năng to lớn để tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo. Trong những ngày qua, chúng tôi đã thảo luận về các phương hướng áp dụng kinh nghiệm, chuyên môn và hỗ trợ tài chính của châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này".

Chuyến thăm của Phó chủ tịch Timmermans cũng đánh dấu bước khởi đầu quá trình triển khai chương trình phát triển và hợp tác quốc tế giữa EU và Việt Nam giai đoạn 2021 - 2027, được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái.

EU sẽ cung cấp viện trợ không hoàn lại tối đa 210 triệu euro (hơn 237,6 triệu USD) trong 4 năm (2021 - 2024) cho Việt Nam để củng cố hợp tác song phương và thúc đẩy các lợi ích chung trong những lĩnh vực ưu tiên như nền kinh tế tuần hoàn số thích ứng với khí hậu, tinh thần khởi nghiệp có trách nhiệm và nâng cao tay nghề để hướng đến việc làm xứng đáng, cũng như tăng cường quản trị, pháp quyền và cải cách thể chế.

Từ năm 1990 đến nay, lượng khí thải nhà kính tại Việt Nam đã tăng nhanh. Lượng tiêu thụ than đốt, loại nhiên liệu hóa thạch sử dụng nhiều khí CO2 nhất và chủ yếu được sử dụng trong sản xuất điện, đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua và sẽ còn tiếp tục tăng nếu không có hành động cụ thể. Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc các biện pháp để kiềm chế xu thế này, qua đó hướng đến cam kết cắt giảm hoàn toàn lượng phát thải ròng. Cam kết trên đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 tại Glasgow diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11/2021.

Vũ Hoàng

https://vnexpress.net/eu-san-sang-ho-tro-viet-nam-phat-trien-xanh-4429837.html