Vấn đề gây tranh cãi giữa các đảng phái
Đầu tuần này, Bộ trưởng Giao thông của Đức, Volker Wissing đã làm nóng lại các tranh luận về điện hạt nhân của Đức khi lên tiếng phát biểu trên truyền thông rằng, cần phải thành lập một hội đồng các chuyên gia khoa học để thẩm định việc kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hơn nữa hay không. Đây là một chủ đề từng gây ra rất nhiều tranh cãi tại Đức trong năm 2022 bởi sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra khiến quan hệ giữa phương Tây và Nga đổ vỡ, Đức là một trong những nước chịu thiệt hại lớn nhất khi Nga cắt gần như toàn bộ nguồn cung khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, bởi đến 55% nhập khẩu khí đốt của Đức là từ Nga.
Việc bị cắt đi nguồn cung khí đốt cực kỳ quan trọng này đã làm đảo lộn kế hoạch được chính phủ Đức đưa ra trước đó là chấm dứt hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại tại Đức vào cuối năm 2022. Nhằm bù đắp cho việc thiếu hụt năng lượng, chính phủ Đức đã phải quyết định kéo dài thời gian hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân này đến 15/4/2023.
Câu hỏi hiện nay là điều gì sẽ đến sau tháng 4/2023? Bộ trưởng Giao thông Đức, ông Volker Wissing là người thuộc đảng Dân chủ tự do – FDP trong chính phủ liên minh 3 đảng tại Đức và đảng FDP vốn là đảng rất ủng hộ các doanh nghiệp, từ trước đến nay luôn phản đối việc nước Đức sớm chấm dứt việc sử dụng năng lượng hạt nhân.
Trước đây FDP muốn duy trì hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân tại Đức đến ít nhất là năm 2024 với lập luận rằng nước Đức cần phải có thời gian dài mới xây dựng được các ngành năng lượng tái tạo đủ vững mạnh và trong thời gian đó nền kinh tế Đức cần phải có nguồn cung năng lượng ổn định và dồi dào.
Không chỉ muốn duy trì 3 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, đảng FDP còn muốn khởi động lại cả những nhà máy đã đóng cửa. Ông Volker Wissing cũng đưa ra một lập luận khác, rằng các lợi ích về môi trường mà ngành công nghiệp xe điện của Đức mang lại sẽ không cao nếu như các ô tô điện không được sạc bằng điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân, vốn không gây ra khí phát thải.
Tất nhiên, các lập luận này của phía đảng FDP đi ngược lại với các quan điểm của đảng Xanh, một trong 3 đảng trong chính phủ liên minh. Trong các cương lĩnh tranh cử của mình từ nhiều năm qua, đảng Xanh luôn vận động chấm dứt việc sử dụng điện hạt nhân tại Đức, coi việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là một trong các ưu tiên lớn nhất trong các chính sách môi trường, với các lập luận rằng điện hạt nhân đặt ra rủi ro quá cao về an toàn cũng như quá đắt đỏ. Do đó, mặc dù đảng Xanh cũng đã đồng ý kéo dài thời gian hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân tại Đức đến tháng 04/2023 nhưng các lãnh đạo đảng này đều khẳng định quyết định này chỉ là một sự tạm hoãn chứ không phải là từ bỏ mục tiêu cuối cùng là chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng điện hạt nhân tại Đức.
Vai trò của điện hạt nhân trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay
Trước đây, điện hạt nhân từng đóng vai trò rất lớn trong tổng quy hoạch năng lượng tại Đức, chiếm khoảng 1/3 sản lượng điện tại Đức. Tuy nhiên, với sự nổi lên trong khoảng gần 2 thập kỷ qua của đảng Xanh theo đường lối bảo vệ môi trường và đặc biệt sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima tại Nhật năm 2011, chính phủ Đức dưới thời bà Angela Merkel đã dần dần loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân.
Đến năm 2022, điện hạt nhân chỉ chiếm khoảng 11% tổng sản lượng điện tại Đức. Con số này tuy không cao nhưng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng vừa qua tại Đức và châu Âu thì vai trò của điện hạt nhân đối với an ninh năng lượng Đức là vô cùng lớn.
Để bù đắp sự thiếu hụt khí đốt từ Nga, chính phủ Đức thậm chí đã phải khởi động lại cả các nhà máy điện than vốn đã đóng cửa từ vài năm qua, bất chấp việc than đá là loại nhiên liệu gây ô nhiễm lớn nhất. Do đó, 11% đóng góp của điện hạt nhân trong vài tháng qua đối với nước Đức là hết sức quan trọng.
Cùng với việc chính phủ Đức đã quyết liệt tìm kiếm các nguồn cung thay thế cho khí đốt Nga và qua đó sớm lấp đầy 100% kho dự trữ khí đốt, nước Đức đã có một sự đảm bảo tương đối chắc chắn rằng có thể vượt qua mùa Đông năm nay một cách an toàn, thậm chí có thể không cần phải bổ sung thêm nguồn cung đến tháng 04/2023, trừ trường hợp thời tiết quá bất lợi.
Một khi nước Đức, cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, đảm bảo được an ninh năng lượng thì gián tiếp toàn bộ châu Âu cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn, tránh được các bất ổn quá lớn trên thị trường năng lượng.
Vấn đề phức tạp hơn đối với Đức là việc lựa chọn ra sao trong tương lai, liệu có kiên quyết giữ tham vọng từ bỏ điện hạt nhân hay sẽ vẫn tiếp tục duy trì?
Kịch bản nào khả thi nhất cho nước Đức?
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại châu Âu đặt ra một câu hỏi rất lớn cho không chỉ riêng nước Đức và còn nhiều nước châu Âu khác về việc sẽ quy hoạch tổng thể năng lượng trong tương lai ra sao.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, hầu như các nước châu Âu đều dồn hết ưu tiên cho năng lượng tái tạo, coi năng lượng hạt nhân là lựa chọn thứ yếu. Tuy nhiên, việc đổ vỡ quan hệ năng lượng với Nga, đối tác lớn nhất của châu Âu, đã buộc châu Âu phải đối mặt với thực tế rằng đóng góp của năng lượng tái tạo còn quá ít và quá thiếu ổn định, không thể ngay lập tức thay thế được cho các nguồn năng lượng khác.
Trong bối cảnh đó, vai trò của năng lượng hạt nhân quay trở lại bởi mặc dù vẫn gây ra các lo ngại về vấn đề an toàn, về mức độ phức tạp và đắt đỏ trong quy trình vận hành nhưng năng lượng hạt nhân lại đáp ứng được một trong những yêu cầu khắt khe của châu Âu: lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu là gần như bằng 0 và nếu được xây dựng, vận hành với công nghệ cao, năng lượng hạt nhân cung cấp một nguồn điện dồi dào, vô cùng ổn định.
Đó có lẽ là một trong những lí do mà tháng 6/2022, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua việc dán nhãn cho năng lượng hạt nhân và khí tự nhiên hoá lỏng là các loại năng lượng xanh, thân thiện với môi trường, qua đó bật đèn xanh cho các dự án đầu tư vào các loại năng lượng này, bất chấp sự phản đối gay gắt của nhiều nước.
Đây chỉ là một chính sách để châu Âu đáp ứng với thực tế mới là nhiều nước thành viên EU chưa thể có đủ năng lực về tài chính và công nghệ để ngay lập tức chuyển toàn bộ sang năng lượng tái tạo, do đó cần tiếp tục sử dụng năng lượng hoá thạch và năng lượng hạt nhân trong một thời gian chuyển đổi tương đối dài, khi nguồn cung lớn nhất từ Nga bị cắt đột ngột.
Điều này cũng đúng với ngay cả cường quốc số 1 châu Âu là Đức. Ví dụ rõ nhất, đó là Bộ trưởng Kinh tế và Môi trường Đức hiện nay là ông Robert Habeck, một trong hai thủ lĩnh của đảng Xanh nên về nguyên tắc ông Robert Habeck là người phải chống đến cùng các kế hoạch đi ngược lại với các mục tiêu về môi trường mà đảng Xanh đã đặt điều kiện khi tham gia chính phủ liên minh.
Nhưng thực tế lại khác hoàn toàn, khi ông Robert Habeck là người hoạt động tích cực nhất trong chính phủ Đức trong việc tìm các nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng, cho mở lại nhà máy điện than hay kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân tại Đức và mới nhất là khánh thành cả một trạm dự trữ khí tự nhiên hoá lỏng nhập khẩu.
Dù thực hiện tất cả những chính sách có vẻ như đi ngược lại với đường lối của đảng Xanh nhưng ông Robert Habeck lại là một trong những Bộ trưởng có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong chính phủ Đức và sự ủng hộ này cũng đến rất nhiều từ chính các cử tri đảng Xanh. Điều này cho thấy là bất cứ chính sách nào cũng cần phải có một mức độ thực dụng để đáp ứng được với thực tế, chứ không thể chỉ nằm trong các khẩu hiệu tranh cử. Vì thế, nước Đức có lẽ sẽ phải điều chỉnh các tham vọng về môi trường và xem lại một số quy hoạch về năng lượng trong vài năm tới./.
Quang Dũng/VOV-Paris
Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/duc-tranh-cai-viec-tu-bo-dien-hat-nhan-post994444.vov