Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp nhau tại Paris hôm 22-1 để thảo luận về cách EU phản ứng với đạo luật IRA của Mỹ, bao gồm các điều khoản cung cấp 500 tỉ đô la Mỹ chi tiêu mới và trợ cấp trong vòng 10 năm để hỗ trợ các công ty ở khu vực Bắc Mỹ.
Đạo luật IRA sẽ trợ cấp thông qua chính sách giảm thuế cho năng lượng xanh, từ hydro cho đến pin, điện gió và mặt trời, đồng thời hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho năng lực tự chủ của ngành sản xuất của Mỹ để thoát khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc hoặc các nước khác.
EU lập luận rằng đạo luật IRA, có hiệu lực trong năm nay, không tuân thủ các quy tắc quốc tế và sẽ lôi kéo các công ty chuyển đầu tư từ châu Âu sang Mỹ một cách không công bằng. Các nhà lãnh đạo của EU sẽ gặp nhau vào tháng tới để thảo luận về các phương án phản ứng của họ. Một trong số đó là đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
“Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo rằng EU không bị đối xử tệ hơn so với các nước láng giềng của Mỹ như Canada và Mexico”, ông Scholz nói trong một cuộc họp báo chung với ông Macron tại cung điện Elysee, đồng thời nói thêm rằng Mỹ đã phát đi tín hiệu “thông hiểu” về mối lo ngại này của EU.
Đức và Pháp đã kêu gọi Mỹ điều chỉnh đạo luật IRA để giúp các doanh nghiệp châu Âu có thể linh hoạt tận dụng các khoản tín dụng thuế mà luật này cung cấp. Nhưng các quan chức của EU không tin Washington sẽ thực hiện những thay đổi có ý nghĩa, vì vậy, họ bắt đầu vạch ra các kế sách để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất của châu Âu.
Phản ứng của EU có thể sẽ bao gồm việc trao cho các nước thành viên nhiều quyền hạn hơn để đầu tư vào các công ty ở nước họ và sẽ sử dụng các nguồn quỹ hiện tại của EU để trợ cấp cho các công ty trong khu vực. Các nước EU cũng sẽ thảo luận về mức độ sâu rộng của bất kỳ kế hoạch phản ứng nào, đặc biệt nếu có liên quan đến việc cung cấp thêm nguồn tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khu vực.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đang đề xuất một số giải pháp để củng cố nền kinh tế của khối, bao gồm triển khai một chương trình phát hành trái phiếu mới để cân bằng tình hình tài chính khác nhau của các nước thành viên EU. Michel cho rằng chương trình trái phiếu mới sẽ cho phép các chính phủ thiếu tiền mặt thực hiện nhiều khoản đầu tư xanh hơn.
“Chúng tôi muốn thúc đẩy phản ứng của châu Âu, với các công cụ đơn giản, nhanh chóng, rõ ràng nhằm hỗ trợ các công ty của EU”, ông Macron đồng thời cho biết thêm rằng ông và Thủ tướng Olaf Scholz đã nhất trí về một lập trường chung để hướng tới mục tiêu đầy tham vọng và hành động nhanh chóng của châu Âu.
Ông Scholz cho biết Đức và Pháp muốn Ủy ban châu Âu (EC) so sánh khoản trợ cấp của Mỹ trong đạo luật IRA với những khoản trợ cấp hiện có ở châu Âu để xác định xem EU có cần tăng thêm trợ cấp mới hay không.
Tuần trước, Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen cho biết EU sẽ tìm cách đơn giản hóa môi trường pháp lý của khối đối với chính sách trợ cấp và cung cấp nhiều tiền hơn cho các dự án sản xuất dựa vào công nghệ sạch.
Các quan chức Đức trước đây không ủng hộ EU đưa ra một đạo luật tương tự để đáp trả đạo luật IRA của Mỹ. Họ cho rằng điều này có thể bóp méo thị trường và gây gánh nặng cho các nước EU vốn đã nợ nần rất nhiều.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tuần trước: “Một cuộc cạnh tranh về trợ cấp sẽ là mối đe dọa đối với nền tài chính công bền vững ở châu Âu”.
Thủ tướng Scholz nói ông và Tổng thống Macron ủng hộ việc đơn giản hóa các gói trợ cấp hiện có. Ông cho rằng các quy định của EU về trợ cấp của nhà nước đối với các ngành đầu tư vào công nghệ mới là “quá nhiêu khê và quá trình ra quyết định trợ cấp kéo dài quá lâu”.
Theo WSJ, Bloomberg
Khánh Lan/thesaigontimes.vn
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/duc-phap-ung-ho-eu-chong-lai-chinh-sach-tro-cap-nang-luong-sach-cua-my/