Phát triển năng lượng tái tạo: Quảng Trị biến bất lợi, thành lợi thế
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Hưng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: Quảng Trị hướng đến phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng tái tạo là 1 trong 3 trụ cột chính để phát triển trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của Quảng Trị, với phương châm biến bất lợi trở thành lợi thế.
Vì vậy tỉnh đã kêu gọi và thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư điện gió vùng phía tây Quảng Trị, nơi trước đây là chiến trường và hiện nay là những công trình công nghiệp hiện đại, mang lại những lợi thế mà hiếm tỉnh thành nào có được. Đây là hướng đi đúng theo chủ trương mà Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Tỉnh Quảng Trị đang đón nhận làn sóng đầu tư mới rất tích cực, trong đó, lĩnh vực nổi bật nhất thu hút các nhà đầu tư là năng lượng tái tạo. Ðây cũng là định hướng của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền trung và cả nước vào năm 2030.
Huyện miền núi Hướng Hóa hiện có 31 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đã và đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất hơn 1.177 MW, trong đó có 19 dự án có công suất phát điện thương mại hơn 671 MW đã hoàn thành, đưa vào vận hành. Theo tính toán khi tất cả 31 dự án điện gió đi vào hoạt động, hằng năm Quảng Trị thu ngân sách thêm được gần 600 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ động trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, đưa vào Quy hoạch điện VIII 60 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 4.600 MW, 3 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600 MW, 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400 MW, hơn 2.000 MW các dự án thủy điện tích năng và khoảng 4.500 MW các dự án điện khí.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên, khí hậu đất đai, biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển năng lượng trên địa bàn.
Địa phương đã tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, điện gió. Qua đó, nhiều dự án đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh để triển khai thực hiện, trong đó tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.
Dự án Nhà máy điện gió Hải Anh – Quảng Trị sẽ về đích thuận lợi, sớm cho trái ngọt đầu tiên
Dự án nhà máy điện gió do Công ty Cổ phần Phong điện Hải Anh - Quảng Trị làm chủ đầu tư có diện tích khảo sát xây dựng hơn 20ha. Quy mô công suất của dự án là 40MW; đấu nối điện áp 110KV – khoảng 3.5km. Điện năng sản xuất của dự án khoảng 120 GWh/năm với 8 tháp tua bin gió, công suất 5 MW/tua bin, chiều cao trụ tháp 125 m, đường kính cánh quạt 166 - 172 m.
Dự án ra đời ghi dấu việc đẩy mạnh đầu tư của Hải Anh JSC đối với năng lượng tái tạo, điển hình là phong điện.
Tổng thầu EPC là liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình IPC và Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu đảm nhiệm vai trò cung cấp, thiết kế, lắp đặt và dịch vụ cho toàn bộ dự án.
Đây là dự án sử dụng năng lượng sạch, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường khi giảm thiểu đáng kể lượng khí thải nhà kính và lượng phế phẩm trong quá trình xây dựng do sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Từ đó xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Quản Duy Hải Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phong điện Hải Anh – Quảng Trị cho biết, trong bối cảnh các dự án năng lượng tái tạo kém khởi sắc, việc dự án Nhà máy điện gió Hải Anh khởi công ngày hôm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công ty.
Chủ đầu tư đã lựa chọn liên danh tổng thầu EPC là Công ty CP Xây dựng Công trình IPC và Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu bởi đây là các đơn vị đã có kinh nghiệm, danh tiếng, uy tín hàng đầu trong lĩnh vực đang hoạt động.
Bên cạnh đó, dự án còn được nhận sự hỗ trợ rất lớn từ Vietinbank chi nhánh Quang Trung và đối tác Shanghai Electric.
Ông Quảng Duy Hải bày tỏ tin tưởng dự án sẽ về đích thuận lợi và các bên sẽ sớm hưởng những trái ngọt đầu tiên.
Tổng giám đốc IPC E&C và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ACIT cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện gói thầu, chắc chắn đưa dự án về đích an toàn, chất lượng bảo đảm và vượt tiến độ.
Đại diện đơn vị tài trợ cung cấp tín dụng cho dự án, Giám đốc Vietinbank chi nhánh Quang Trung cho biết, theo đánh giá của ngân hàng từ các dự án, việc chuyển hướng sang năng lượng tái tạo phù hợp với kinh tế Việt Nam hiện nay và là xu thế toàn cầu.
Tìm hiểu về liên danh ACIT - IPC, đại diện nhà tài trợ vốn đánh giá chủ đầu tư đã có một lựa chọn rất tốt và chắc chắn dự án sẽ đạt được các mục tiêu đề ra. Phía ngân hàng cam kết sẽ đẩy nhanh các công việc chuyên môn để hỗ trợ dự án.
Dự án Nhà máy điện gió Hải Anh dự kiến sẽ được phát điện thương mại (COD) trước ngày 30/9/2024.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/du-an-dien-gio-hai-anh-quang-tri-se-som-cho-trai-ngot-1022312201108461.htm