“Giấc mơ” trung tâm năng lượng
Với lợi thế đường bờ biển 1.900 km và có số giờ nắng cao, cường độ bức xạ mặt trời lớn, miền Trung đang được xem là vùng đất đầy tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, trong đó, nổi bật là các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận…
Quảng Trị có nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng, dự báo có thể đạt công suất hơn 14.000 MW, tiềm năng nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714 MW (đã đưa vào vận hành thương mại 671,1 MW); 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW (đã đưa vào vận hành thương mại). Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp tại Quảng Trị đến thời điểm này là 1.008,5 MW.
“Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được xác định là lĩnh vực đột phá, là hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với định hướng đưa Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước”, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định.
Trong thời gian tới, Quảng Trị đặt mục tiêu hoàn thành, phát điện thương mại 2.500 - 3.000 MW (giai đoạn đến năm 2025) và khoảng 9.500 MW (giai đoạn đến năm 2030).
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ, Quảng Trị có thể trở thành một trung tâm mới về năng lượng sạch của miền Trung, bởi đây là điểm tiếp nhận khí thiên nhiên từ mỏ Báo Vàng và trong tương lai không xa là mỏ khí Kèn Bầu (trữ lượng lớn nhất từ trước đến nay, mới được phát hiện, cách đất liền Quảng Trị 80 km). Mục tiêu mà Quảng Trị đặt ra là có cơ sở từ khoa học, thực tiễn, tiềm năng, quyết tâm chính trị; là hướng đi đúng, trúng và được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng cho địa phương.
Đó chính là những lý do thu hút nhà đầu tư đến với Quảng Trị.
Mới đây, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 và các đối tác do ông Đinh Quang Tri, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2, Chủ tịch Công ty Vinapitco làm Trưởng đoàn đã tới làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và đề xuất nghiên cứu, xây dựng trung tâm hydro xanh tại tỉnh.
Theo đó, Quảng Trị đang xem xét chấp thuận cho nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu địa điểm đầu tư Dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng. Đồng thời, tỉnh cũng xem xét hỗ trợ và có các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư theo quy định đối với dự án năng lượng xanh và sạch; báo cáo các bộ, ngành liên quan thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có quy mô công suất 700 MWp điện mặt trời, 300 MW điện gió và 193.000 tấn NH2/năm. Giai đoạn II có quy mô công suất 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 465.000 tấn NH2/năm. Giai đoạn III có quy mô công suất 1.800 MWp điện mặt trời, 700 MW điện gió và 82.000 tấn H2 lỏng/năm. Dự kiến, tổng mức đầu tư 3 giai đoạn hơn 175.600 tỷ đồng, riêng giai đoạn I đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng.
Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, đề xuất xây dựng Trung tâm Hydro xanh của các nhà đầu tư phù hợp với chủ trương phát triển Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung cũng như các điều kiện đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Giống như Quảng Trị, phát triển năng lượng tái tạo cũng là một trong những hướng đi được Ninh Thuận lựa chọn. Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU (năm 2022) về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất điện tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW; sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh, đưa Ninh Thuận cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Ngành năng lượng, năng lượng tái tạo đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm; đạt 9 - 10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thu đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Ninh Thuận sẽ xây dựng hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện của khu vực và quốc gia, phù hợp với định hướng Quy hoạch Điện VIII, đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh phấn đấu hình thành 1 trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thu hút 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng. Đặc biệt, Ninh Thuận sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án có sử dụng nhiều năng lượng điện nhằm tăng tỷ trọng điện tiêu thụ tại chỗ, tận dụng lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo, quỹ đất và hạ tầng giao thông.
Còn nhiều dư địa
Không chỉ ở miền Trung, khu vực Tây Nguyên (gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển điện mặt trời. Thực tiễn đã chứng minh lợi ích to lớn mà nguồn năng lượng tái tạo này mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
“Việc thu hút đầu tư phát triển các Dự án năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp năng lượng theo hướng thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Nếu được quy hoạch bài bản, thì điện mặt trời, điện gió sẽ tạo động lực phát triển cho Đắk Lắk và các địa phương khác của Tây Nguyên” - Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk.
Tây Nguyên là nơi có cường độ năng lượng bức xạ tốt, số giờ nắng cao. Theo dữ liệu của PVGIS-CMSAF (Ủy ban châu Âu), cường độ bức xạ tại khu vực này đạt 5,1 - 5,3 kWh/m2/ngày, với 2.000 - 2.600 giờ nắng trong năm. Đây là con số mong ước đối với bất kỳ chủ sở hữu hệ thống điện mặt trời nào.
Ngoài ra, một trong những thuận lợi để phát triển điện mặt trời trên địa bàn Tây Nguyên là diện tích đất rộng, những ngôi nhà thường được xây dựng ít tầng trên nền đất rộng, diện tích mái nhà tương đối lớn, giúp các tấm pin mặt trời mái nhà hoạt động tối đa công suất.
Tại Đắk Lắk hiện có 20 nhà máy thủy điện, 10 dự án điện mặt trời, 2 dự án điện gió với tổng công suất gần 2.300 MW đã đi vào vận hành phát điện thương mại, bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia 6 - 7 tỷ KWh/năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 13 dự án nguồn điện đang được triển khai.
UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay, theo Dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (do Viện Năng lượng, Bộ Công thương lập), Đắk Lắk được đánh giá có tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mặt đất và mặt nước với quy mô công suất 120.564 MW; tiềm năng điện gió trên bờ với quy mô công suất 26.921 MW.
Với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của Tây Nguyên, Đắk Lắk phấn đấu đưa vào vận hành thương mại 5.000 - 7.000 MW trong giai đoạn 2020 - 2030; lấy phát triển năng lượng tái tạo làm tiền đề, động lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã đề nghị Bộ Công thương xem xét quy hoạch các nguồn năng lượng tái tạo tăng thêm với quy mô công suất 2.000 - 3.000 MW trong giai đoạn 2020 - 2025; 3.000 - 4.000 MW trong giai đoạn 2026 - 2030; 10.000 - 15.000 MW trong giai đoạn 2031 - 2045 tại Quy hoạch Điện VIII.
Còn tại Lâm Đồng, tính đến hết năm 2022, có 35 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác với tổng công suất lắp máy 1.668,7 MW, sản lượng điện trung bình đạt 6.333,93 triệu kWh/năm. Tính đến hết năm 2020, công suất cực đại của các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đạt 311 MW, điện thương phẩm đạt 1.511 triệu kWh. Dự kiến, đến năm 2030, con số tương ứng sẽ là 723 MW và 3.719 triệu kWh.
Sau khi 4 dự án điện gió (Cầu Đất, Xuân Trường 1, Xuân Trường 2 và Đức Trọng) được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, đến nay, tại Lâm Đồng có 20 dự án điện gió với tổng công suất 1.499,3 MW, tổng sản lượng điện trung bình năm 4.684,58 triệu kWh.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã bổ sung Dự án Điện mặt trời Tam Bố, nâng tổng số dự án điện mặt trời sau khi rà soát, bổ sung lên 13 dự án, tổng công suất 752,86 MW, tổng sản lượng điện trung bình 1.467,7 triệu kWh/năm.
Ngoài ra, Lâm Đồng còn bổ sung 11 công trình thủy lợi có khả năng khai thác thủy điện với tổng công suất lắp máy 30,225 MW, điện lượng trung bình 52,2 triệu kWh/năm.
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, sau khi rà soát, bổ sung, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 89 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất 6.363,385 MW, sản lượng điện sản xuất tăng thêm từ nguồn năng lượng tái tạo trung bình đạt 7.417,60 triệu kWh/năm.
Nhấn mạnh việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Lâm Đồng là cần thiết, ông Hoàng Trọng Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng, các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh được đầu tư đưa vào khai thác theo đúng kế hoạch để cung cấp cho hệ thống điện quốc gia.
Thanh Chung/ baodautu.vn
Nguồn: https://baodautu.vn/dong-luc-phat-trien-tu-nang-luong-tai-tao-d178090.html