Ngày 13/4, Đoàn công tác Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận giám sát thực hiện Nghị quyết của Quốc hội dừng chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (2016 - 2021).
Đoàn công tác Quốc hội khảo sát thực tế địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná, Cảng tổng hợp Cà Ná. Ảnh: D.Q
Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (2016-2021), tỉnh đã điều chỉnh chiến lược từ tập trung vào phát triển 2 nhà máy Điện hạt nhân sang phát triển năng lượng tái tạo, trong đó tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời và dự án động lực thay thế nhà máy điện hạt nhân phù hợp với định hướng Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua 5 năm triển khai, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, ông Nam cũng nhấn mạnh, việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân đã ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án phục vụ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tác động lớn đến chiến lược, quy hoạch phát triển, các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cả trong trước mắt và lâu dài.
Đặc biệt, trong 10 năm qua, người dân vùng xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân chịu nhiều thiệt thòi, cơ sở hạ tầng không được đầu tư, chính sách hỗ trợ chưa được thực hiện... nên đời sống của một bộ phận người dân ở các khu vực quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân còn nhiều khó khăn.
UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện giúp tỉnh sớm phê duyệt Đề án hỗ trợ cho người dân vùng xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu điều chỉnh phạm vi, nội dung cho phù hợp để sớm phê duyệt “Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2” nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước đó, chiều 12/4, Đoàn công tác Quốc hội đã khảo sát thực tế tại vùng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam).
Tại đây, Đoàn công tác đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục khảo sát và nghiên cứu một số chính sách cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, cứu hộ cứu nạn để ổn định đời sống cho bà con.
Đoàn công tác đã ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng của cử tri vùng dự án và sẽ tổng hợp, trình lên Quốc hội để sớm có những chính sách cụ thể hỗ trợ bà con trong thời gian tới.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sau khi dừng thực hiện Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sức hút mạnh mẽ cho các dòng vốn đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh.
Đến nay, Ninh Thuận đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược; hình thành một số doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao; quy mô các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận đã thuộc nhóm đầu của cả nước với tổng công suất là 3.205 MW, gồm: 2.296 MW điện mặt trời trang trại, 287 MW điện mặt trời mái nhà và 622 MW điện gió...
https://baodautu.vn/doan-cong-tac-quoc-hoi-giam-sat-thuc-hien-dung-chu-truong-dau-tu-dien-hat-nhan-ninh-thuan-d163918.html