Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tại Davos 2024. Ảnh AFP
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (WEF), ông Birol cho biết: "Những rào cản thương mại có thể là yếu tố làm chậm quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch. Nhưng triết lý chung là thương mại công bằng, là người bạn tốt của quá trình chuyển đổi năng lượng".
Chuyển đổi năng lượng và cân bằng thương mại là một trong những chủ đề nóng trong tuần này tại WEF ở Thụy Sĩ.
Hôm thứ Ba (16/01), Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích những rào cản thương mại xanh thông qua tiếng nói của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường: "Một số công nghệ hoặc sản phẩm xanh, carbon thấp chất lượng và rất hiệu quả không thể lưu thông tự do". Ông kêu gọi loại bỏ các rào cản, hợp tác cùng nhau và điều quan trọng là phải kiên quyết bảo vệ vững chắc hệ thống thương mại đa phương.
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc triển khai năng lượng gió và mặt trời, và cùng là nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới.
Căng thẳng thương mại
Bên cạnh đó, hôm thứ Ba (16/01), Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã bày tỏ lo ngại về tình trạng mất cân bằng thương mại. Trong khi Brussels đã mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của Trung Quốc đối với xe điện, đồng thời đảm bảo rằng họ đã thảo luận thẳng thắn với ông Lý về tình trạng này.
Ông Birol lưu ý với AFP: "Trung Quốc đóng một vai trò thiết yếu trong lĩnh vực năng lượng sạch. Nhưng tất nhiên những quốc gia khác cần phải xét đến hệ quả thương mại đối với nền kinh tế của họ, liệu hoạt động sản xuất này có được thực hiện công bằng so với những hoạt động sản xuất khác hay không".
Liên minh châu Âu (EU) cũng lo ngại mất đi thị trường do Washington cực lực hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là quyết định giảm thuế cho xe điện được sản xuất tại Mỹ.
Về phía mình, châu Âu đang ở bước ngoặt vì châu lục này đang đi sau Trung Quốc trong việc sản xuất công nghệ sạch và có thể sẽ sớm đứng sau Mỹ, Giám đốc điều hành IEA cho biết.
Ông nói: "Đã đến lúc châu Âu phải xây dựng một lộ trình để khôi phục vị trí dẫn đầu trong công nghệ ở châu Âu, bao gồm những điều kiện mới của thị trường và khung công nghệ".
Hướng tới COP29
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Dubai vào tháng 12 đã tìm ra một thỏa hiệp nhằm thoát khỏi các nguồn nhiên liệu hóa thạch và đặt ra mục tiêu toàn cầu là tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo đến năm 2030.
Tuy nhiên, ông Birol tiếc rằng nguồn tài chính dành cho các nước đang phát triển vẫn còn thiếu thốn, đồng thời cho rằng các nước phát triển nhất phải tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nước đang phát triển để đạt được mục tiêu này.
Trong buổi gặp hôm thứ Ba (16/01) tại Davos với một Bộ trưởng của Azerbaijan, ông Birol bày tỏ hy vọng rằng vấn đề này sẽ được thảo luận khi Baku đăng cai tổ chức Hội nghị COP29 vào tháng 11/2024. Ông nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán ở Baku phải giải quyết được vấn đề này để trao cơ hội thành công cho hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc.
Azerbaijan đã khiến các nhà hoạt động khí hậu thất vọng khi bổ nhiệm ông Mukhtar Babayev, cựu giám đốc Công ty Dầu khí Nhà nước Azerbaijan (SOCAR) và hiện là Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Tài nguyên Azerbaijan, làm Chủ tịch COP29.
Năm ngoái, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), chủ nhà của COP28, đã chọn ông Sultan Al Jaber, lãnh đạo của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), làm chủ trì Hội nghị COP28.
Đối với Giám đốc điều hành IEA, những câu hỏi xoay quanh việc bổ nhiệm một người đã cống hiến cả sự nghiệp vì nhiên liệu hóa thạch là hợp lí. Tuy nhiên, ông cho rằng không nên vội kết luận, nên trao cơ hội cho họ chứng minh rằng họ xứng đáng là chủ tịch COP và cần giữ lời hứa của chính mình.
Trong những buổi trao đổi với các quan chức Azerbaijan, ông Birol khẳng định mình đã nhận thấy rất nhiều thiện chí của nước này. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng thiện chí có chuyển thành kết quả tốt hay không vẫn còn là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Anh Thư/nangluongquocte.petrotimes.vn
AFP
Nguồn: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dieu-gi-lam-cham-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-cua-the-gioi-704223.html