Điện gió ngoài khơi: Làn sóng mới về năng lượng tái tạo

Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi năm 2020 tiếp tục đà tăng trưởng nhanh với việc lắp đặt mới tổng công suất hơn 6 GW, bất kể đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành năng lượng khác. Vậy, Việt Nam ở đâu trong “làn sóng” năng lượng mới này?

Nguồn năng lượng có tiềm năng khổng lồ

GWEC cho biết, công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu hiện đã đạt trên 35 GW - tăng 106% chỉ trong 5 năm qua. Với hơn 3 GW công suất lắp đặt mới, Trung Quốc hiện đã vượt qua Đức về lượng lắp đặt tích luỹ, trở thành quốc gia sản xuất điện gió ngoài khơi lớn thứ hai trên toàn cầu và Anh vẫn ở vị trí dẫn đầu.

Châu Âu với tăng trưởng ổn định góp sức cho phần lớn sản lượng điện gió ngoài khơi mới còn lại, dẫn đầu là Hà Lan với gần 1.5 GW. Ngoài Trung Quốc và các quốc gia châu Âu, hai đất nước ghi nhận có lượng công suất điện gió mới trong năm 2020 là Hàn Quốc (60 MW) và Mỹ (12 MW).

Feng Zhao, Giám đốc Chiến lược và Đánh giá Thị trường của GWEC nhận định: Nhịp độ phát triển ổn định và liên tục của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trên toàn cầu trong suốt thời gian đại dịch là minh chứng cho khả năng phục hồi của ngành năng lượng đang bùng nổ này. Tăng trưởng kỷ lục của Trung Quốc dự kiến vẫn sẽ tiếp diễn vào năm 2021, nhờ làn sóng gấp rút lắp đặt điện gió ngoài khơi cho kịp kỳ hạn quy định giá bán điện của Trung Quốc vào cuối năm nay.

Dù châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, nhưng khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng guồng máy thúc đẩy tăng trưởng ngành. Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về điện gió ngoài khơi. Mỹ cũng sẽ mở rộng thành một thị trường điện gió ngoài khơi lớn, vì chính quyền Tổng thống mới đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp trọng yếu này.

Lý giải về điều này, ông Alastair Dutton, Chủ tịch Nhóm phụ trách Điện gió ngoài khơi toàn cầu tại GWEC cho rằng: “Điện gió ngoài khơi đang ngày càng củng cố vị thế của mình là một trong những công nghệ quan trọng nhất để loại bỏ cacbon trong hệ thống năng lượng và hiện thực hóa mục tiêu Net zero (giảm khí thải về 0). Sản lượng điện gió ngoài khơi toàn cầu hiện giúp giảm đến 62,5 triệu tấn khí thải cacbon - tương đương với việc ngưng sử dụng hơn 20 triệu chiếc xe hơi. Lợi ích kinh tế xã hội của điện gió ngoài khơi cũng quan trọng hơn bao giờ hết khi các quốc gia phát triển các chiến lược phục hồi kinh tế xanh, và các dự án điện gió ngoài khơi hiện tại đã cung cấp khoảng 700.000 việc làm trên toàn cầu.

“Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng khổng lồ của điện gió ngoài khơi. Theo báo cáo từ nhóm Ngân hàng Thế giới, với công nghệ hiện tại, thế giới có hơn 71.000 GW điện gió ngoài khơi tiềm năng, và việc đánh thức nguồn tài nguyên này sẽ là chìa khóa để giữ mức nóng lên toàn cầu ở dưới 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời tạo ra những lợi ích kinh tế đáng kể.

Cú bắt tay hợp tác giữa ngành điện gió và chính phủ sẽ là chìa khóa quan trọng để hiện thực hóa tiềm năng này, cùng với các chính sách ổn định để tạo ra một cơ hội phát triển dài hạn cho ngành. Việc thúc đẩy nhanh thương mại hóa điện gió nổi ngoài khơi trong thập kỷ này cũng sẽ là yếu tố quan trọng để mở ra những cánh cửa mới cho lĩnh vực này và tối đa hóa việc khai thác tài nguyên gió” - ông Alastair Dutton đánh giá.

Tổ chức năng lượng thế giới dự báo, trong tương lai Việt Nam có thể là 1 trong 5 trung tâm điện gió biển của thế giới. (Ảnh minh họa)
Việt Nam có thể là 1 trong 5 trung tâm điện gió biển

Với lợi thế đường bờ biển dài, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá Việt Nam có tiềm năng lên tới 475 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển từ bờ ra đến 200 km.

Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam đã có 14 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất là gần 30 GW, tức tổng số dự án sắp triển khai sẽ là 40 GW. Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài cả điện gió gần bờ và xa bờ, Tổ chức năng lượng thế giới (IEA) dự báo, Việt Nam có thể sẽ trở thành 1 trong 5 trung tâm điện gió biển của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ.

Ở thời điểm hiện tại, Dự án Thăng Long ngoài khơi Bình Thuận với công suất 3,4 GW đã thực hiện đo gió xong giai đoạn 1 (2019 - 2020), bư
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) 3,5 GW đang trong quá trình nghiên cứu khả thi từ năm 2020 và có thể hoàn thành trước năm 2030. Mới đây, đơn vị phát triển Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn đến từ Đan Mạch đã ký 4 Bản ghi nhớ về việc hợp tác cung cấp móng cọc và cảng hậu cần với các nhà thầu Việt Nam.

Bà Maya Malik, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Điện gió La Gàn cho biết: Việc ký kết với 4 đơn vị cung ứng có trụ sở tại Việt Nam cho thấy, các tập đoàn công nghiệp hàng đầu trong nước rất sẵn sàng đầu tư vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi Việt Nam, cũng như ủng hộ tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi xanh trong ngành năng lượng. Việc hợp tác này sẽ đóng góp vào những nỗ lực đang diễn ra nhằm nội địa hóa chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Việt Nam cũng như góp phần phát triển năng lực cạnh tranh của các đơn vị cung ứng trong nước trên thị trường quốc tế.

Những tín hiệu ban đầu rất khả quan và theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm có chiến lược về điện gió ngoài khơi trong dài hạn, được quy hoạch tích hợp với các ngành kinh tế biển khác. Đây là định hướng căn bản để có thể đón đầu xu hướng phát triển đầy tiềm năng của ngành năng lượng này trong tương lai.

Khánh Ly