Điện áp mái, có nên đầu tư?

Đối mặt với sự khan hiếm về nguồn điện, thời gian qua, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, nhà sản xuất muốn lắp đặt hệ thống điện áp mái sử dụng năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu cặn kẽ về hiệu quả cũng như chi phí đầu tư hợp lý theo nhu cầu sử dụng.
 

Anh Vũ Thế Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH DVTM Hoàng Huân (TP. Bắc Kạn) là một trong những người tiên phong ở tỉnh Bắc Kạn lắp đặt hệ thống điện áp mái, sử dụng năng lượng mặt trời.

Năm 2019, anh quyết định đầu tư hệ thống điện áp mái với công suất 18 kWh với tổng chi phí 320 triệu đồng. Các tấm pin năng lượng mặt trời được đặt trên sân thượng của gia đình. Cơ chế hoạt động của hệ thống hòa vào điện lưới quốc gia. Nghĩa là hệ thống sẽ tạo ra điện khi có ánh nắng mặt trời, nếu sử dụng không hết sẽ tự động chuyển tải lên lưới điện quốc gia, hòa vào lưới điện và được EVN (Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) trả tiền.

Anh Hoàng cho biết: “Trung bình gia đình tôi khi chưa lắp đặt hệ thống này sẽ phải chi phí khoảng 04 triệu đồng mua điện/tháng, nhưng nay trung bình hệ thống sản xuất được khoảng 08 triệu đồng tiền điện/tháng, vì vậy gia đình tôi bán cho EVN được 04 triệu đồng tiền điện/tháng. Ví dụ trong tháng 6 này trên app điện thoại của tôi thông báo đã sản xuất được 280 kWh và từ khi lắp đặt đến nay hệ thống đã sản xuất được 48.000 kWh. Tôi thấy rằng, mặc dù bỏ ra chi phí đầu tư khá lớn, nhưng khoảng 06 năm sau đầu tư, tôi sẽ hòa vốn và sau đó sẽ có lãi".

Hệ thống điện áp mái sử dụng năng lượng mặt trời của gia đình anh Vũ Thế Hoàng, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn

Hệ thống điện áp mái sử dụng năng lượng mặt trời của gia đình anh Vũ Thế Hoàng, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn

Theo Sở Công thương Bắc Kạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 17 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện áp mái theo cơ chế được đấu nối hòa vào lưới điện quốc gia được hưởng giá FIT ưu đãi (thời điểm lắp đặt trước ngày 31/12/2020) theo quy định của Chính phủ với sản lượng điện trung bình khoảng 8.600 kWh, sau khi sử dụng không hết đã đẩy lên lưới điện bán cho EVN đạt khoảng 16 triệu đồng/tháng.

Hiện nay tại các thành phố lớn nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện áp mái sử dụng năng lượng mặt trời nhất là ở những khu chung cư cao tầng. Tuy nhiên, phải tính toán kỹ mức chi phí đầu tư ban đầu phù hợp với nhu cầu sử dụng điện của gia đình. Nếu quy mô hộ gia đình sử dụng ít điện khoảng dưới 02 triệu đồng/tháng thông thường sẽ lắp đặt hệ thống có công suất khoảng 03 kWh, mức cho chi phí khoảng trên 62 triệu đồng. Còn đối với các hộ sử dụng điện lớn công suất từ 20 kWh có chi phí trên 350 triệu đồng. Thời gian bảo hành các thiết bị trong suốt 25 năm.

Công tơ 2 chiều tự động đấu nối điện nếu không sử dụng hết lên hệ thống, hoặc lấy điện từ điện lưới nếu thiếu
Công tơ 2 chiều tự động đấu nối điện nếu không sử dụng hết lên hệ thống, hoặc lấy điện từ điện lưới nếu thiếu

Tuy nhiên, tới đây hệ thống điện áp mái sẽ không được đấu nối lên lưới điện quốc gia mà chỉ phục vụ trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, doanh nghiệp. (Khoản 1, Điều 5 và Khoản 4, Điều 8 của Quyết định 13/2000/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 quy định giá mua bán áp dụng cho các hệ thống điện mặt trời được đưa vào vận hành từ 01/7/2019 đến 31/12/2020). Nghĩa là hệ thống đầu tư sau thời điểm 31/12/2020 sẽ không được đấu nối ngược lên lưới điện quốc gia, không được EVN trả tiền.

Đối với hệ thống điện áp mái chỉ phù hợp với các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện liên tục thời điểm ban ngày khi đó khai thác tối đa ánh nắng mặt trời. Những hộ không tiêu thụ điện ban ngày sẽ không tích điện lại để sử dụng vào buổi tối được, trừ khi đầu tư ắc quy tích điện với mức chi phí vài chục triệu đồng, chỉ sử dụng được khoảng 05 năm. Vì vậy, cần cân nhắc khi quyết định đầu tư, tránh trường hợp đầu tư lại không đạt hiệu quả như mong muốn

Năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước, do lợi ích to lớn trong việc tận dụng tối đa nguồn thiên nhiên vô tận (như gió, mặt trời…), cũng như góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu gây ra.

Với việc người dân tiếp cận với xu thế, đầu tư hệ thống sản xuất điện đã góp phần giảm áp lực cho ngành Điện hiện nay./.

Phương Thảo/baobackan.com.vn

Nguồn: https://baobackan.com.vn/dien-ap-mai-co-nen-dau-tu-post53823.html