Bỉ: Tái chế tóc để làm sạch đường thủy
Tổ chức phi chính phủ Dung Dung của Bỉ đang thực hiện Dự án Tái chế tóc, theo đó sử dụng tóc để hấp thụ các chất ô nhiễm môi trường. Cụ thể là, tóc thu được từ các tiệm làm tóc trên khắp đất nước, sau đó sản xuất thành các miếng thảm vuông. Chúng được sử dụng để hấp thụ dầu và các hydrocacbon gây ô nhiễm môi trường.
Thảm có thể được đặt trong cống để hấp thụ chất ô nhiễm trong nước trước khi nó chảy ra sông. Chúng cũng có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề ô nhiễm do lũ lụt và làm sạch các vụ tràn dầu. Thực tế, 1kg tóc có thể hấp thụ từ 7 đến 8 lít dầu và hydrocarbon.
Nguồn: .greencindia.co.in
Thổ Nhĩ Kỳ: Cung cấp điện mặt trời miễn phí cho nông dân
Hồi đầu năm nay, một nhà máy điện mặt trời lớn đã được xây dựng ở Dağbeli, ngoại ô thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, để cung cấp năng lượng miễn phí cho nông dân địa phương. Toàn bộ khu vực này là trung tâm sản xuất rau quả quan trọng cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Nó chiếm khoảng 1/5 tổng xuất khẩu rau quả của Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 30% diện tích nhà kính của đất nước.
Khoảng 60.000 người sẽ được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ trên vì nó mang lại cho nông dân phương tiện để vận hành hệ thống tưới tiêu. Người trồng trọt địa phương cho biết, họ đã từng phải hạn chế tưới nước hợp lý cho cây trồng vì giá năng lượng cao. Giờ đây, nhờ nhà máy điện mặt trời tiết kiệm chi phí này, việc tưới tiêu và sản lượng cây trồng đã tăng lên đáng kể.
Tây Ban Nha: Công ty thuốc lá phải trả tiền dọn dẹp đầu mẩu thuốc lá
Theo các quy định môi trường mới của Tây Ban Nha, các công ty thuốc lá sẽ phải chịu các chi phí cho việc loại bỏ đầu mẩu thuốc lá vứt trên đường phố của đất nước. Các nhà sản xuất thuốc lá cũng có nghĩa vụ nhắc nhở người tiêu dùng không vứt tàn thuốc ở khu vực công cộng. Các công ty thuốc lá có khả năng chuyển chi phí sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm, điều này cũng có thể coi là một động lực khác để bỏ thuốc lá.
Hàng triệu đầu thuốc lá bị người hút thuốc ném ra đường phố và bãi biển ở Tây Ban Nha mỗi năm, trở thành một trong những loại rác phổ biến nhất. Chúng mất khoảng 10 năm để phân hủy và giải phóng các chất độc hại như chì và asen trong quá trình này. Thậm chí, theo tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy, tàn thuốc lá cũng là loại ô nhiễm biển phổ biến nhất - trên cả chai nhựa và túi nilon.
Phần Lan: Năng lượng gió tăng 75% trong năm ngoái
Theo số liệu hồi đầu năm của Hiệp hội Năng lượng gió Phần Lan (FWPA), công suất điện gió của Phần Lan đã tăng 75% trong năm ngoái.
Với gần một nửa năng lượng gió của Phần Lan thuộc sở hữu trong nước, nguồn năng lượng tái tạo đang mang lại huyết mạch đáng kể trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Sự tăng trưởng về năng lượng tái tạo cũng đang giúp Phần Lan đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu. Quốc gia này hy vọng sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu đạt mức phát thải ròng bằng không, đặt mục tiêu vào năm 2035 - vượt xa mục tiêu năm 2050 của EU.
EU: Gió và mặt trời sản xuất nhiều điện hơn khí đốt vào năm 2022
Năng lượng gió và năng lượng mặt trời lần đầu tiên sản xuất ra nhiều điện năng hơn khí hóa thạch cho EU vào năm ngoái. Một báo cáo mới từ tổ chức tư vấn năng lượng sạch Ember cho thấy, năng lượng tái tạo chiếm kỷ lục 22% lượng điện của khối.
Scotland: Cấm thuốc gây mê desflurane có khả năng gây phát thải cao
Scotland đã cấm thuốc gây mê dạng hít desflurane do tác động tàn phá của nó đối với khí hậu. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới có động thái như vậy. Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), loại khí này được sử dụng để giúp bệnh nhân ngủ an toàn trong quá trình phẫu thuật, có khả năng làm nóng lên toàn cầu lớn hơn 2.500 lần so với carbon dioxide.
Nhiều bệnh viện ở các vùng khác của Vương quốc Anh đã bắt đầu loại bỏ dần thuốc gây mê. NHS có kế hoạch ngừng sử dụng desflurane hoàn toàn vào đầu năm 2024, ngoại trừ trường hợp đặc biệt
Na Uy: Xây dựng đường hầm dành cho xe đạp dài nhất châu Âu
Tháng 4.2023, thành phố Bergen, Na Uy đã mở cửa đường hầm dành cho người đi bộ và xe đạp dài nhất thế giới, tới… 2,9km. Người ta sẽ mất khoảng 10 phút để đạp xe qua và 30 đến 45 phút để đi bộ qua. Được biết đến với cái tên Fyllingsdalstunnelen, đường hầm cắt xuyên qua núi Løvstakken ở thành phố phía Tây Nam Na Uy, nối các khu dân cư Fyllingsdalen và Mindemyren. Người đi xe đạp có thể tiếp tục đến trung tâm Bergen bằng các tuyến đường hiện có.
Mỹ: Cấm xây dựng trạm xăng mới
Thành phố Lousiville, gần Denver thuộc bang Colorado hồi tháng 2.2023 đã cấm xây dựng các trạm xăng mới, vì các nhà lập pháp cho biết họ cảm thấy “nghĩa vụ” phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Luật mới của địa phương lưu ý rằng “lệnh cấm xây dựng các trạm xăng mới cũng có thể được coi là biện pháp thúc đẩy sử dụng xe điện, do đó, giảm lượng khí thải từ phương tiện, đồng thời khuyến khích các lựa chọn năng lượng sạch hơn và carbon thấp hơn cho giao thông vận tải”.
Áo: Giải quyết vấn đề rác thải điện tử
Được thiết kế để giải quyết rác thải điện tử, Chính phủ Áo đã cho ra đợi một chương trình, trong đó sẽ giúp chi trả một nửa chi phí sửa chữa các thiết bị điện tử. Nó áp dụng cho các thiết bị bị lỗi như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy pha cà phê và máy rửa bát.
Theo Bộ Môi trường nước này, chỉ trong vòng một năm kể từ khi được giới thiệu vào năm ngoái, nó đã chứng kiến 560.000 phiếu sửa chữa trị giá lên tới 200 euro/phiếu được đổi.
Pháp: Thế vận hội Paris sẽ sử dụng ghế nhựa tái chế từ rác thải
Khán giả tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 sẽ ngồi trên những chiếc ghế làm bằng nhựa tái chế từ các thùng rác. Cùng với việc chống lại tình trạng thiếu nguyên liệu thô cho nhựa, sáng kiến này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giảm tác động đến môi trường của Thế vận hội Olympic. Được biết, khoảng 11.000 chỗ ngồi sẽ được làm từ vật liệu tái chế.
EU: Pin của điện thoại thông minh phải dễ thay thế
Liên minh lá cờ xanh sẽ sớm yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh cho phép người dùng thay pin. Các quy định mới cứng rắn, được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 6, có thể cứu hàng triệu điện thoại khỏi bãi rác. Thực tế, mỗi năm có hơn 150 triệu điện thoại thông minh bị vứt đi. Làm cho pin dễ thay thế hơn có thể ngăn chặn sự tràn ngập rác thải điện tử này.
Pháp: Chấm dứt việc in hóa đơn giấy không cần thiết
Tháng 8, việc chấm dứt việc in biên lai bán hàng bằng giấy có hệ thống đã có hiệu lực ở Pháp. Biện pháp này, cũng áp dụng cho việc thu tiền từ thẻ ngân hàng, được thực hiện dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường. Khách hàng vẫn có thể yêu cầu bản in nếu muốn và hóa đơn vẫn là bắt buộc ở những nơi như nhà hàng hoặc gara.
Tuy nhiên, chính sách trên vẫn bị một số người chỉ trích, họ chỉ ra rằng đối với nhiều hộ gia đình, phiếu bán hàng là công cụ để quản lý ngân sách gia đình. Trên thực tế, biên lai sẽ không biến mất: những khách hàng mong muốn vẫn có thể yêu cầu một bản in, chẳng hạn như để giải tỏa mọi nghi ngờ về giá cả. Và trong một số trường hợp nhất định (nhà hàng, khách sạn, tiệm làm tóc, gara...), việc in ấn sẽ vẫn là bắt buộc.
Linh Anh/daibieunhandan.vn
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/diem-sang-chinh-sach-moi-truong-nam-2023-i341748/