Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chú trọng phát triển công nghệ cao. Ảnh: Quang Vinh.
Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với bà Priyamvada Srivastava - Tổng giám đốc Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) Việt Nam diễn ra vào ngày 25/4 vừa qua, khi trao đổi về dự án đầu tư mở rộng mới 100 triệu USD của tập đoàn P&G, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Bình Dương đang ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao… hướng đến phát triển xanh, bền vững. Đây là lĩnh vực mà Tập đoàn P&G có thế mạnh nên Bình Dương mong tập đoàn tiếp tục đầu tư vào tỉnh.
Chuyển dịch cơ cấu theo hướng chọn lọc, bền vững
Không chỉ Bình Dương, các địa phương trong tiến trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng xác định chuyển dịch cơ cấu theo hướng chọn lọc, bền vững, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; sử dụng ít tài nguyên, năng lượng; áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố ưu tiên thu hút các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thể mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; thu hút các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao; thu hút các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao; không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
“TPHCM đã chuẩn bị hơn 300ha đất dành cho khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, thu hút đầu tư vào ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; các ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo” - Giám đốc Sở KHĐT Lê Thị Huỳnh Mai thông tin.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết địa phương này đã và đang có xu hướng phân bố lại các dự án thiên về dịch vụ, có hàm lượng công nghệ cao, kêu gọi doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ xanh thân thiện môi trường, sử dụng diện tích đất hiệu quả, ít lao động trực tiếp. Nâng cao năng suất, sử dụng robot, đòi hỏi tính kết nối cao (cả trong nước lẫn quốc tế), nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo phát triển bền vững…
Trước mắt, tỉnh Đồng Nai nhanh chóng mở rộng quỹ đất cho thuê, quy hoạch sẵn sàng để có thể đón dòng vốn ngay khi các dự án hạ tầng lớn đi vào sử dụng. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho giai đoạn mới, quy hoạch các dự án như: khu dân cư, trường học, bệnh viện, dịch vụ tài chính, kho vận… nhằm xây dựng một hệ sinh thái tương đối cơ bản, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, đồng hành cùng DN.
Các doanh nghiệp đang chuyển hướng sang “xanh hóa”. Ảnh: Quang Vinh.
Nhiều nhà đầu tư “xanh” đến Việt Nam
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho biết, đến ngày 20/4/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong khi vốn thực hiện ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022 thì vốn đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần đã tăng trở lại. Cụ thể, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 65,2% về số dự án và tăng 11,1% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay xu hướng đầu tư của các DN FDI vào Việt Nam rất đa dạng, tập trung vào sản xuất chế biến, chế tạo. Đây là xu hướng các tập đoàn đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam cũng là điểm đến của các tập đoàn đầu tư.
Bà Antonia Zahn Weber - Giám đốc điều hành VFT Industry UG cho biết, sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường đã quyết định triển khai dự án tại Việt Nam. VFT Industry UG đã hợp tác với các DN Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD tại Việt Nam, có khả năng là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ xanh ước tính 600.000 tấn/năm để giao thương trên thị trường Việt Nam và châu Âu.
Bà Weber cho biết thêm, mong muốn đạt được mức phát thải bằng 0 ngay từ những ngày đầu tiên và tạo ra khoảng 800.000 chứng chỉ Vàng C02 hằng năm. VFT Industry UG rất mừng vì có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền địa phương để triển khai các dự án giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.
Còn đại diện SK Group (Hàn Quốc) cho biết, đang tính chuyện đầu tư lớn vào Việt Nam thông qua dự án sản xuất khí hydrogen - loại khí sạch đang được các quốc gia ưu tiên để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. SK Group khuyến nghị Việt Nam chuyển đổi sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cân bằng carbon.
Năm ngoái, SK Ecoplant (thành viên của SK Group) đã hợp tác cùng Nami Solar (đơn vị thành viên của Nami Energy) lập liên doanh để phát triển 250 MWp điện mặt trời mái nhà, với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Các giải pháp điện mặt trời phân tán do liên doanh này cung cấp là các biện pháp hiệu quả giúp các DN ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh, cũng như tiết kiệm chi phí năng lượng.
Ngày càng nhiều nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa được đặt tại Việt Nam. Như Intel là DN FDI đầu tiên lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam, đây là hệ thống điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Intel tại châu Á, và là hệ thống lớn thứ 6 trong 15 hệ thống điện năng lượng mặt trời của Intel trên toàn cầu. Tập đoàn Lego xây nhà máy trung hòa carbon 1 tỷ USD hướng tới mục tiêu không phác thải khí CO2…
Giới chuyên gia cũng đưa ra góc nhìn đầy khả quan, các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, điều đáng mừng là thu hút FDI đã chuyển hướng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng, ưu tiên các dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Thực tế này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc nâng cao chất lượng, sự đóng góp của khu vực này, theo hướng ưu tiên những dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, làm ra sản phẩm giàu sức cạnh tranh.
Trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với các DN có vốn FDI vừa diễn ra vào cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; qua đó tạo nền tảng vững chắc để thu hút đầu tư. Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Theo Bộ KHĐT, vốn FDI toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ Nguyễn Chí Dũng:
Tăng trưởng xanh là ưu tiên hàng đầu
Phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Mục tiêu chung là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
THÚY HẰNG/daidoanket.vn
Nguồn: http://daidoanket.vn/dau-tu-vao-cong-nghe-cao-xu-huong-va-thoi-co-5716393.html