TS. Đào Xuân Lai - Trưởng Ban Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Thưa ông, là một trong những thành viên của UNDP Việt Nam tham dự COP28, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam tại COP28 lần này?
COP28 năm nay đã trở thành hội nghị thượng đỉnh COP lớn nhất trong lịch sử, với sự tham dự đông đảo của gần 140 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ và khoảng 90.000 đại biểu.
TS. Đào Xuân Lai
Sự tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam cho thấy trách nhiệm và cam kết của nước ta tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu. Tại hội nghị, Việt Nam cũng đã tham gia một số sáng kiến hợp tác đa phương mới nhằm mở ra một số cơ hội hợp tác mới về chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh. Đặc biệt, Việt Nam cùng các đối tác IPG đã thống nhất thông qua kế hoạch huy động, sử dụng nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã được nhiều quốc gia, tập đoàn kinh tế quốc tế đánh giá cao.
Theo ông, đâu là những dấu ấn quan trọng của Việt Nam tại COP28?
Theo tôi, Việt Nam đã ghi 4 dấu ấn quan trọng tại COP28 trong những ngày vừa qua.
Thứ nhất, Việt Nam cùng với nhóm các nước gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy (IPG) đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực để sử dụng 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Các khoản vốn này được IPG cam kết huy động với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư.
Đây là dấu mốc quan trọng để Việt Nam đàm phán các khoản vay cũng như khoản đóng góp cụ thể để khoản 15,5 tỷ USD giúp chuyển đổi năng lượng và dùng nó như đòn bẩy huy động các nguồn lực tư nhân trong chuyển đổi năng lượng, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh.
Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu rất quan trọng tại COP28 vào chiều 2/12. Trong bài phát biểu, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và quyết tâm thực hiện. Đặc biệt, Thủ tướng đã nêu ra những nỗ lực của Việt Nam cũng như kết quả đạt được kể từ khi cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP26.
Việt Nam đã tham gia một số sáng kiến hợp tác đa phương mới nhằm mở ra cơ hội hợp tác về chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh. Ảnh: Hương Giang
Thủ tướng đã cam kết, thời gian tới, sẽ đưa ra hành lang pháp lý, chính sách cụ thể hơn nữa, như: Xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh, đưa ra hợp đồng chuẩn về mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp… Đây là những động thái cam kết rất rõ ràng và trực tiếp để đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, Việt Nam cam kết và quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư. Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng.
Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường có nhiều buổi họp song phương và đa phương với các nước phát triển, các tập đoàn quốc tế để có thể phát triển, mở rộng quan hệ đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy một ngành kinh tế mới là năng lượng tái tạo cũng như phát triển điện gió ngoài khơi để có thể xuất khẩu. Đây là tiềm năng rất lớn, trong điều kiện nước ta có hơn 3.000 km bờ biển, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo sinh kế việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương.
Cuối cùng, Việt Nam năm nay có một phòng họp riêng tại hội nghị. Tại đó, Việt Nam đã tổ chức hơn 10 sự kiện bên lề, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học trong thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như mong muốn học hỏi từ các nước, chuyên gia về giải pháp cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng.
Đến nay, COP28 đã có những thành công bước đầu. Đặc biệt, các bên đã đồng thuận để bắt đầu đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào hoạt động. Các bên đã cam kết các khoản tài chính rất lớn, đến nay, đã huy động được khoảng hơn 600 triệu USD để quỹ này sớm đi vào hoạt động.
Đặc biệt, cùng với cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 và tiếp theo đó vào tháng 12/2022 là Tuyên bố JETP, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh hơn các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, trở thành hình mẫu cho các nước noi theo.
Để triển khai các cam kết và Tuyên bố JETP, Việt Nam gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
Liên quan đến những thách thức của Việt Nam khi thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hiện, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, chúng ta còn rất nhiều thách thức như: Giảm nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, độ mở thị trường lớn, trình độ nhân lực chưa cao, Việt Nam cần ổn định kinh tế vĩ mô, cần chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế để giảm phát thải đòi hỏi đầu tư rất lớn.
Riêng lĩnh vực điện lực, để phát triển năng lượng tái tạo, đến năm 2030, cần khoảng 135 tỷ USD. Do đó, Việt Nam cần một nguồn vốn rất lớn từ các tổ chức quốc tế, tư nhân trong thời gian tới. Vấn đề công nghệ, chuyển đổi nhân lực từ lĩnh vực điện than, khai thác than và chuỗi cung ứng đi kèm cùng với đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn cho ngành kinh tế năng lượng mới (điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, điện mặt trời…) cũng là thách thức với Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Để giải quyết thách thức trên, bên cạnh cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư có trách nhiệm, minh bạch, an toàn và hấp dẫn hơn thì việc sớm ban hành Hợp đồng mua bán điện tái tạo trực tiếp sẽ là cam kết hết sức quan trọng mà các nhà đầu tư mong đợi. Cùng với đó, Việt Nam phải đầu tư cho công nghệ, nguồn nhân lực cũng như đảm bảo công bằng giữa các nhóm kể các nhà đầu tư, các nhóm tham gia chuỗi cung ứng về năng lượng, kinh tế xanh, đặc biệt là nhóm yếu thế như công nhân, phụ nữ đang làm trong các nhà máy than, điện than…
Xin cảm ơn ông!
Thu Hường/congthuong.vn
Nguồn: https://congthuong.vn/dau-an-viet-nam-tai-cop28-trach-nhiem-hop-tac-vi-hanh-tinh-xanh-291547.html