Cuộc chiến ngoài khơi giữa Orsted, Xuân Thiện và HLP

Câu chuyện này đang diễn ra ở tỉnh Bình Thuận khi 3 dự án điện gió ngoài khơi trị giá hơn 32 tỷ USD chồng lấn một phần diện tích lên tới hơn 40.000ha.

Nhiều dự án điện gió quy mô lớn đang lên kế hoạch vào Bình Thuận. Ảnh minh họa

Điện gió ngoài khơi Tuy Phong với tổng công suất dự kiến 4.600MW, gồm 3 giai đoạn (hoàn thành lần lượt vào các năm 2029, 2032 và 2034), do Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đề xuất đầu tư. Sản lượng điện phát lên lưới khoảng 20.148GWh/năm, tổng mức đầu tư khoảng 368.800 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 110.650 tỷ đồng còn lại là huy động từ tập đoàn mẹ và các tập đoàn thành viên).  

Điện gió ngoài khơi Bình Thuận công suất 5.000MW, nhà đầu tư Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, tổng vốn khoảng 287.100 tỷ đồng. Điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch 2.000MW do Công ty CP Đầu tư HLP đăng ký đầu tư, tổng vốn khoảng 4,4 tỷ USD.

Hiện cả 3 dự án này đều đã xuất hiện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII (danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng). Trong trường hợp cả 3 dự án đều được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII sẽ là cú bứt phát mạnh mẽ đối với Bình Thuận trong việc thu hút đầu tư nói chung và lĩnh vực năng lượng nói riêng. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc phải chờ phê duyệt vào quy hoạch, một bài toán khó nữa đang đặt ra cho tỉnh Bình Thuận là phải ứng xử như thế nào khi 3 dự án điện gió ngoài khơi bị chồng lấn một phần diện tích rất lớn lên tới hơn 40.000ha.

Cụ thể, điện gió ngoài khơi Tuy Phong đòi hỏi khảo sát trên vùng biển khoảng 50.000ha (trong đó, diện tích sử dụng đất và mặt nước có thời hạn khoảng 1.200ha), chồng lấn khoảng 40.471ha với điện gió ngoài khơi Bình Thuận và điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch.

Ngoài ra, khu vực đề xuất dự án của Tập đoàn Orsted còn bị chồng lấn, tác động đối với các tuyến vận tải hàng hải, khai thác, nuôi trồng, hệ sinh thái, môi trường biển và ngư trường truyền thống của người dân,... 

Hai dự án của Xuân Thiện Ninh Bình và HLP đều đã qua một số bước quy trình như triển khai lấy ý kiến, điều chỉnh vị trí, bổ sung hoàn thiện hồ sơ… UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương trước khi Tập đoàn Orsted nộp hồ sơ đề xuất dự án điện gió ngoài khơi Tuy Phong gửi tỉnh Bình Thuận. 

Tuy nhiên, "kẻ đến sau" Orsted lại đề xuất dự án có quy mô đầu tư lớn hơn cả, và đặc biệt, khi biết dự án bị chồng lấn phần lớn diện tích, Orsted nhất quyết không chấp nhận nhường lại vị trí đầu tư dự án. 

Sở Công thương Bình Thuận cho biết, từ đầu năm 2021, sở đã nhiều lần có văn bản góp ý về việc chồng lấn và các nội dung có liên quan gửi Tập đoàn Orsted. Thậm chí, sở cũng đã nhiều lần tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan để giải quyết đề xuất của Orsted (trong đó có việc hai bên cùng ngồi lại với Công ty TNHH Xuân Thiện – Ninh Bình để trao đổi về các vấn đề vướng mắc). Tuy nhiên, Tập đoàn Orsted vẫn không thống nhất điều chỉnh ranh dự án đề xuất ra khỏi khu vực chồng lấn, do đó, vướng mắc này đến nay vẫn chưa thể giải quyết. 

Đây có thể coi là nút thắt cực khó giải quyết đối với 3 dự án này, thậm chí, nếu không thể xử lý tốt, việc các nhà đầu tư bỏ đi là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. 

Bởi lẽ, chưa tính tới việc phải đáp ứng các quy định của pháp luật, yêu cầu của các bộ ngành, địa phương; nếu các dự án muốn thực hiện được bắt buộc phải loại trừ các vùng chồng lấn trên biển, chuẩn xác khoảng cách giữa các hàng, cột tuabin, diện tích và khu vực sử dụng mặt biển hợp lý và đảm bảo quy định pháp luật. 

Nếu không, với diện tích chồng lấn lớn, hoạt động nghiên cứu, khảo sát, vận chuyển, thi công các trụ gió... sẽ bị ảnh hưởng và cực kỳ nguy hiểm. 

Câu hỏi đặt ra không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn các bộ ngành liên quan và cả Chính phủ: Làm sao để giữ chân được cả 3 nhà đầu tư với 3 dự án tỷ đô mà vẫn đảm bảo các quy định của pháp luật và an toàn lao động. 

Giải được bài toán này, với quy mô lên tới hơn 32 tỷ USD, các dự án sẽ đem lại cho tỉnh Bình Thuận một nguồn lực rất lớn về cả ngân sách, việc làm và các hoạt động an sinh xã hội khác. 

Đối với cả 3 dự án, sau khi được phê duyệt công suất cụ thể, đưa vào danh mục các dự án trong Quy hoạch điện VIII, việc lựa chọn nhà đầu tư tỉnh Bình Thuận sẽ phải thực hiện theo các quy định hiện hành.

Quay trở lại với thông tin các dự án, Tập đoàn Orsted tiền thân là DONG Energy (Công ty dầu khí Đan Mạch), năm 2017 được đổi tên thành “Ørsted” (Orsted) hoạt động chủ yếu về phát triển, xây dựng và vận hành các trang trại gió ngoài khơi, trang trại năng lượng mặt trời và các cơ sở lưu trữ năng lượng, nhà máy năng lượng sinh học và cung cấp các sản phẩm năng lượng. Đặt trụ sở chính tại Đan Mạch và Chính phủ Đan Mạch sở hữu 50,1%, Orsted sử dụng khoảng 6.000 nhân viên. Cổ phiếu của Orsted được niêm yết trên Nasdaq Copenhagen (mã: ØRSTED). Năm 2020, doanh thu của tập đoàn khoảng 7,1 tỷ EUR. Orsted đã lắp đặt khoảng 5,6GW công suất gió ngoài khơi và có thêm 4,3GW đang được xây dựng, tham vọng sẽ lắp đặt tổng công suất gió ngoài khơi 15GW trên toàn thế giới vào năm 2025.

Công ty CP Đầu tư HLP – HLP Invest (thành viên trong liên danh với Scatec Solar ASA đến từ Na Uy), thành lập từ năm 2017, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện. Đến cuối năm 2019, HLP Invest có 7 cổ đông sáng lập: ông Nguyễn Mạnh Cường nắm 38%, ông Trương Việt Hùng (35%), ông Trần Văn Hải (10%), bà Đỗ Thu Trang (7%), ông Nguyễn Như Nam (3%), ông Bùi Xuân Huy (3%), bà Phạm Thị Đông (2%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa (2%). Trong số này, ông Trần Văn Hải từng có thời gian giữ trọng trách tại Tập đoàn Việt Phương, Tổng công ty Dược Việt Nam và gần nhất là thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh.

Cuối tháng 5/2019, Scatec Solar ASA ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam tại buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm chính thức Na Uy của lãnh đạo Chính phủ. Tập đoàn cho biết khoản đầu tư hợp tác để xây dựng 3 dự án điện mặt trời quy mô lớn tại các tỉnh Bình Phước, Quảng Trị và Nghệ An.

Trước khi sát cánh với đối tác Na Uy, HLP Invest từng đứng trong liên danh 3 công ty (cùng Công ty CP Xây dựng và thương mại Đông Sơn và Công ty CP Năng lượng Mirat Việt Nam) ở bước đề xuất nghiên cứu lập dự án. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, liên danh này chỉ còn HLP Invest do 2 thành viên còn lại không đủ năng lực. Đáng lưu ý, HLP Invest cũng đã từng phải giải trình với Bình Thuận về năng lực thực sự của mình – do liên quan tới một trường hợp chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp năng lượng cho nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc).

Công ty Xuân Thiện Ninh Bình được thành lập từ cuối năm 2005, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng. Thông qua nhiều hình thức, công ty này đã và đang tham gia vào hàng loạt kế hoạch tỷ đô trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, logistics.

https://theleader.vn/cuoc-chien-ngoai-khoi-giua-orsted-xuan-thien-va-hlp-1628099539770.htm