Một nhà máy WtE ở Đức - Ảnh: PA
Nguyên nhân là nhu cầu WtE (waste-to-energy, nôm na là đốt rác để sản xuất điện) của châu Âu đã giảm mạnh, trong khi đó nhu cầu điện của Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng cao trong hàng chục năm tới.
Châu Âu tìm các thị trường mới
Trang tin năng lượng sạch Energymonitor.ai mới đây ước tính có hơn 100 dự án WtE đã xây xong hoặc đang xây ở Thái Lan, Philippines, Indonesia.
Trong số này có nhà máy WtE ở Pangasinan (Philippines) do Allied Project Services tài trợ, và một dự án có sự hỗ trợ của chính phủ Đan Mạch để xây nhà máy WtE ở Semarang (Indonesia). Dự án của Chonburi (Thái Lan) có sự hỗ trợ của hai công ty Pháp là ENGIE và Suez Environment.
Công ty Hà Lan Harvest Waste hồi năm 2022 đã bắt đầu nghiên cứu khả năng thực hiện một dự án WtE ở tỉnh Sóc Trăng (Việt Nam) với kinh phí ước tính 100 triệu USD (93,5 triệu euro).
Năm 2021, Harvest Waste cũng đề xuất xây một nhà máy ở Cebu (Philippines), sắp trở thành nhà máy WtE hiện đại nhất ở châu Á. Nơi này sẽ dùng chung công nghệ của nhà máy WtE tại Amsterdam để từ 1 tấn rác có thể tạo ra 900 kWh, theo tài liệu của công ty cho biết.
Trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Harvest Waste, Luuk Rietvelt giải thích thị trường Đông Nam Á đang tăng trưởng vì có nguồn tài trợ từ các ngân hàng phát triển lớn, nhiều chính phủ trong khu vực này tạo nhiều điều kiện ưu đãi để kích thích đầu tư, gồm hưởng giá bán điện FIT (Feed In Tariff).
“Khắp châu Á còn nhiều rác thể rắn đô thị và rác thương mại được đưa ra bãi thải hoặc chôn xuống đất vì không có các giải pháp thay thế”, ông Waste nói với báo Đức Deutsche Welle (DW).
Tại châu Âu, khoảng 500 nhà máy WtE đang hoạt động, theo Liên minh Các nhà máy WtE châu Âu (CEWEP).
Nhưng các nhà cung cấp công nghệ châu Âu đang tìm các thị trường mới vì nơi khác có nhu cầu WtE tăng, trong khi “không khí làm ăn” ở lĩnh vực WtE tại châu Âu đang suy giảm sâu nhất trong 10 năm qua, theo Janek Vahk, một điều phối viên chương trình năng lượng và ô nhiễm không khí ở tổ chức phi vụ lợi Zero Waste Europe.
Trong khi đó, nhiều nước khác và các khu vực trên thế giới có rất ít lò đốt rác, nên ở các vùng này có một tiềm năng lớn về WtE, gồm cả Đông Nam Á.
Theo các ước tính khác nhau, dự kiến dân cư đô thị ở các nước Đông Nam Á sẽ tăng lên khooảng 400 triệu người từ năm 2030 (so với năm 2017 là khoảng 280 triệu người) trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng lên 2/3 từ năm 2040.
Vì thế, các chuyên gia xác nhận số bãi rác và rác không thể tái chế sẽ tăng trong những năm tới, điều càng khuyến khích những giải pháp WtE.
“Các chính sách phòng chống phát sinh thêm tác sẽ được bổ sung, nhưng cách xử lý khẩn cấp là điều cần thiết tại khu vực Đông Nam Á. Hy vọng nhiều thành phố sẽ chú ý đến công nghệ WtE, chủ yếu là đốt”, là nhận định của Giáo sư Masaki Takaoka, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu WtE (Đại học Kyoto, Nhật Bản).
Thị trường WtE Đông Nam Á được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng khoảng 3,5% mỗi năm kể từ năm 2021 đến 2028, theo phân tích mới đây của Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence .
Veolia Environment SA, một công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại Pháp, là một trong 5 công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực WtE của Đông Nam Á, theo Mordor Intelligence. Các công ty khác gồm Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) và các công ty của Indonesia, Singapore.
Đốt rác là cách phổ biến ở khắp Đông Nam Á- Ảnh: PA
Những rào cản cho sự phát triển
Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản, gồm cả vấn đề kinh phí.
Tại châu Âu, chi phí xây dựng các lò đốt WtE kỹ thuật cao vào khoảng 1.000 euro/tấn/năm, một khoản chi quá tốn kém đối với một số nước châu Á.
Tuy nhiên, vài ngân hàng phát triển lớn nhất, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) đang mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo DW, Đông Nam Á khó được Liên minh châu Âu (EU) trao tiền, do EU loại trừ việc đầu tư vào WtE khỏi các hoạt động kinh tế được đánh giá “tài chính bền vững”.
Các nhà đầu tư khác còn vấp phải sự phản đối của những nhà bảo vệ môi trường-chống biến đổi khí hậu.
Không như tại châu Âu, ở các bãi rác châu Á không phân biệt rõ ràng về rác có thể tái sinh và không thể tái sinh, không phân biệt rác tự nhiên với rác nhân tạo. Vì thế, các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo loại rác không thể đốt cháy có thể lọt vào lò xử lý rác-điện.
Nếu có yêu cầu phải đốt rác thải nhựa nhằm tăng nhiệt cần thiết của lò đốt, thì điều ấy sẽ làm tăng mạnh lượng khí thải carbon dioxide.
Các nhà bảo vệ môi trường còn lo ngại xu hướng đốt WtE sẽ phá hỏng nỗ lực kích cầu tái sinh rác và các giải pháp sử dụng rác không gây tác hại cho môi trường.
Tuy nhiên, những người ủng hộ ngành WtE nói cần có các giải pháp để xử lý những bãi rác khổng lồ ở các khu vực như Đông Nam Á, trong lúc nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng.
Họ nhắc đến nghiên cứu của các học giả Hà Lan đăng trên tạp chí Science Advances hồi năm 2022 đã nêu: Lượng khí độc mê tan phát từ các bãi rác có thể cao gấp đôi so với số liệu được công bố.
Bảo Vĩnh/1thegioi.vn
Nguồn: https://1thegioi.vn/cong-ty-chau-au-ho-tro-dong-nam-a-chuyen-rac-thanh-nang-luong-192002.html