Công nghiệp xanh của Việt Nam 'hút' hàng trăm tỷ USD từ EU

Chủ tịch EuroCham Alain Cany nhận định, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới châu Âu (từ ngày 9-15/12) là cơ hội để Việt Nam-EU nhìn lại những thành tựu đã đạt được và hướng tới tương lai, cùng nhau phát triển trên một cơ sở hợp tác vững chắc, xanh và bền vững thông qua đối thoại. Các công ty châu Âu sẵn sàng đầu tư hàng trăm tỷ USD vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
 

Chủ tịch EuroCham Alain Cany

Chủ tịch EuroCham Alain Cany

Hôm nay (9/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công tác dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, thăm Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Bỉ và Hà Lan. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa chuyến công tác châu Âu lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

Ông Alain Cany: EuroCham và toàn bộ cộng đồng chính trị và ngoại giao EU-Việt Nam rất vui mừng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến công tác trở lại châu Âu. Chuyến đi này đặc biệt có ý nghĩa vì diễn ra đúng dịp Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN-EU.

Với 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao EU-ASEAN và 33 năm quan hệ song phương EU-Việt Nam, chúng ta đã xây dựng một tình hữu nghị bền chặt và sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Đơn cử như các liên kết thương mại và đầu tư đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự tin tưởng lẫn nhau và những cam kết hợp tác. EuroCham tin tưởng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển.

Với chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, EU-Việt Nam sẽ có cơ hội nhìn lại những thành tựu đã đạt được và hướng tới tương lai. Việt Nam và EU có thể cùng nhau phát triển trên một cơ sở hợp tác vững chắc, xanh và bền vững thông qua đối thoại.

Ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được trong việc thực hiện Hiệp định EVFTA thời gian qua? Theo ông, đâu là thách thức đối với Việt Nam trong việc tận dụng hiệu quả những lợi thế mà EVFTA mang lại?

Ông Alain Cany: Trong ngắn hạn, quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam đã được mở rộng và sâu hơn. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Hiệp định EVFTA, EU và Việt Nam đều tăng cường xuất khẩu sang nhau, đồng thời Việt Nam cũng đa dạng hóa xuất khẩu.

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này chủ yếu mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất hàng hóa sản xuất công nghệ cao, chất lượng cao của châu Âu. Còn về phía Việt Nam, các nhà sản xuất nông nghiệp, dệt may, nguyên liệu thô và điện tử của Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất.

Kết quả đạt được là tích cực và vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng. Theo thời gian, EVFTA sẽ cắt giảm và xóa bỏ thuế quan, điều này sẽ làm tăng thương mại song phương. Ngay sau khi các quốc gia thành viên EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA), FDI của EU vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức cũng sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm. EuroCham sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại với chính quyền Việt Nam, cũng như tổ chức các hội thảo tuyên truyền về cách thức và cơ sở tận dụng EVFTA.

Huy động vốn phục vụ quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh đang là bài toán lớn của Việt Nam. Xin ông cho biết lợi ích của các nhà đầu tư EU, đặc biệt là các nhà đầu tư Bỉ, Luxembourg và Hà Lan đối với lĩnh vực năng lượng nói riêng và đầu tư vào phát triển xanh của Việt Nam là gì? Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này ra sao?

Ông Alain Cany: Một Chính phủ hướng tới tương lai, tiềm năng năng lượng tái tạo chưa được khai thác, vị trí địa lý phù hợp phát triển năng lượng mặt trời và gió ngoài khơi, lực lượng lao động năng động là một số lý do khiến Việt Nam trở thành địa điểm thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp xanh.

Vì lẽ đó, dự kiến các công ty châu Âu sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và tất cả các quốc gia thành viên EU cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với Thỏa thuận xanh châu Âu.

Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình này, Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề. Hiện nay, khung pháp lý của Việt Nam, đặc biệt đối với các dự án năng lượng tái tạo chưa hoàn thiện, đang gây ra một vài hạn chế và làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các khuôn khổ quy định về năng lượng cần được làm rõ hơn.

Bên cạnh đó, hoàn chỉnh khung pháp lý cho quan hệ đối tác công tư cũng sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng xanh của Việt Nam. Ví dụ, nếu có một cơ chế hợp tác khả thi, các công ty châu Âu chắc chắn sẽ muốn đóng góp vào sự phát triển của lưới năng lượng và hệ thống lưu trữ pin của Việt Nam.

Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam và các doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm xanh, tận dụng tốt hơn lợi thế EVFTA và hợp tác giữa hai bên?

Ông Alain Cany: Bằng cách tăng cường các chính sách và quy định về tài chính xanh, các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vững vàng trong tương lai. Tham gia vào một sáng kiến như vậy sẽ mang lại cho các công ty số tiền họ cần để triển khai các công nghệ xanh và cân nhắc lại về mô hình kinh doanh của họ.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần làm rõ các mục tiêu rõ ràng về hiệu quả tín dụng xanh giữa các ngân hàng trong nước. Ngoài ra, vì các khoản vay xanh chỉ chiếm 4% trong tổng số các khoản vay nên sẽ rất hữu ích nếu loại bỏ giới hạn tăng trưởng đối với các khoản vay và tài sản xanh được chỉ định.

Khu vực tư nhân cũng cần tiếp cận chủ động hơn đối với lĩnh vực này. Phát triển các chứng chỉ xanh sẽ giúp tăng giá trị, danh tiếng và sự hài lòng của các bên liên quan, từ đó kích thích tăng trưởng. Các khoản đầu tư bền vững là những khoản đầu tư lý tưởng vì chúng được thiết kế để đạt được thành công lâu dài. Tính bền vững không còn là sự cân nhắc thứ yếu, mà là một phần không thể thiếu trong việc tạo ra giá trị. Do đó, chúng ta phải hướng dẫn bền vững để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một Việt Nam xanh hơn, tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc

 Nguồn: https://baochinhphu.vn/cong-nghiep-xanh-cua-viet-nam-hut-hang-tram-ty-usd-tu-eu-102221209164835532.htm