Sản phẩm rau trồng bằng công nghệ thủy canh hoàn lưu.
Chặn sự bốc hơi của dung dịch dinh dưỡng
“Thử nghiệm mô hình thủy canh hoàn lưu rau xà lách, cải thìa và bó xôi” là đề tài nghiên cứu được thực hiện thành công do KS Nguyễn Thị Nguyệt, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao chủ trì thực hiện.
KS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, phương pháp trồng rau thủy canh là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vừa có khả năng tăng năng suất đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lượng phân bón, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch.
Với phương pháp thủy canh hoàn lưu, việc trồng rau sẽ tiết kiệm được chi phí đất đai, thuốc phòng trừ sâu bệnh và hạn chế những thiệt hại do hạn hán, ngập lụt. Khi trồng cây trên đất, rễ cây phải tiêu tốn năng lượng để tìm độ ẩm và chất dinh dưỡng trong lòng đất nhưng với phương pháp thủy canh, rễ cây nhận đủ các chất cần thiết từ dung dịch nước hòa tan trong bồn chứa dưới sự hỗ trợ của hệ thống truyền dẫn, tưới tiêu. Hệ thống thủy canh có khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng bằng cách ngăn chặn sự bốc hơi của dung dịch dinh dưỡng.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm 2 mô hình gồm: Mô hình trồng rau xà lách, cải thìa và bó xôi trên hệ thống thủy canh hoàn lưu; mô hình trồng rau xà lách, cải thìa và bó xôi trên giá thể trong nhà màng (đối chứng). Địa điểm thực hiện tại Nông trại rau sạch Củ Chi, hộ ông Nguyễn Tất Nhu (đường Nguyễn Thị Lộc, ấp Bàu Cạp, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM) và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao (ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TPHCM).
Hệ thống thủy canh hoàn lưu gồm giá đỡ được hàn chắc chắn và dùng để đặt các máng thủy canh. Giàn cao khoảng 50 - 80cm, dốc về phía ống thu hồi dinh dưỡng 30, các giàn được đặt cách nhau 50 - 60cm dùng làm lối đi. Các máng thủy canh hoàn lưu có hình dạng ống chữ nhật được làm bằng nhựa cách nhiệt có kích thước 100 × 60 mm, chiều dài ống 6m, các máng được đặt trên giá đỡ cách nhau 20cm. Khoan các lỗ trồng cây có đường kính 4 - 7cm, khoảng cách giữa 2 lỗ 15 - 20cm. Sử dụng chậu có đường kính 4 - 6cm để trồng cây.
Hệ thống thủy canh hoàn lưu được bố trí có diện tích 1.000m2, trong đó phân chia thành 3 hệ thống máng thủy canh trồng 3 loại rau xà lách, cải thìa và bó xôi tiến hành trồng 2 vụ. Mô hình trồng rau xà lách, cải thìa và bó xôi trên giá thể trong nhà màng được trồng cùng thời gian 2 vụ từ tháng 8 - 12/2022.
Năng suất chất lượng cao hơn
Kết quả cho thấy, trồng rau xà lách, cải thìa và bó xôi trên hệ thống thủy canh hoàn lưu đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng rau xà lách, cải thìa và bó xôi trên giá thể. Mô hình trồng rau xà lách, cải thìa và bó xôi thủy canh hoàn lưu giúp tiết kiệm nhân công lao động so với việc trồng rau xà lách, cải thìa và bó xôi trên giá thể.
Trồng rau xà lách, cải thìa và bó xôi trên hệ thống thủy canh hoàn lưu sinh trưởng tốt, dư lượng nitrat an toàn; năng suất 2.274 kg/vụ/1.000m2, doanh thu 125.407.500 đồng/vụ/1.000m2 và lợi nhuận 25.700.900 đồng/vụ/1.000m2. So sánh cho thấy các chỉ tiêu cao hơn so với mô hình trồng rau xà lách, cải thìa và bó xôi trên giá thể (năng suất 1.408 kg/vụ/1.000m2, doanh thu 87.675.000 đồng/vụ/1.000m2 và lợi nhuận 12.857.400 đồng/vụ/1.000m2).
Theo KS Nguyễn Thị Nguyệt, trong khi điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì việc xây dựng mô hình trồng rau ăn lá ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng và phù hợp với xu hướng phát triển cho tương lai và dần thay thế cho nông nghiệp truyền thống.
Thời gian sản xuất rau xà lách, cải thìa và bó xôi là 35 - 40 ngày mỗi năm có thể sản xuất lên tới 9 - 10 vụ. Dự kiến trong vòng 1 năm sẽ thu hồi vốn cơ sở vật chất đã đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, mô hình trồng rau thủy canh hoàn lưu cần nguồn lao động có trình tay nghề cao, đòi hỏi người sản xuất có kiến thức về sinh lý cây trồng.
Sau quá trình thực hiện mô hình, nhóm nghiên cứu cũng cung cấp được sản phẩm sổ tay hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng rau xà lách, cải thìa, bó xôi trên hệ thống thủy canh hoàn lưu trong nhà màng. Các bước thực hiện cụ thể gồm chuẩn bị nhà màng, hệ thống thủy canh; chuẩn bị cây giống; trồng và chăm sóc; quản lý sâu bệnh hại; thu hoạch và sơ chế.
Nhật Phong/Báo Giáo dục & Thời đại
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cong-nghe-trong-rau-sach-bang-thuy-canh-hoan-luu-post648135.html