COP28 sẽ diễn ra tại Dubai, UAE từ 30/11 - 12/12. Ảnh: AP
Theo tổ chức Dịch vụ Biến đổi Thời tiết Copernicus của Liên minh châu Âu, năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử thế giới khi ghi nhận nhiệt độ trung bình cao hơn 1,43 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, đã ghi nhận nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu. Ấn Độ phải chịu thiệt hại tài sản gần 1,5 tỷ USD trong mùa gió mùa năm nay trong khi bão nhiệt đới Daniel hồi tháng 9 gây lũ lụt chết người ở Libya. Việc bão Otis đổ bộ vào Mexico hồi tháng 10 cũng đang làm dấy lên lo ngại rằng chính phủ sẽ phải chi nhiều tiền hơn để xây dựng lại các cơ sở hạ tầng thay vì giúp đỡ người dân ứng phó với thiên tai.
Trong bối cảnh đó, hội nghị COP28 tại Dubai lần này không được nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách mong đợi sẽ có một bước đột phá lớn. Hiện việc đốt nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong khi các nhà vận động về khí hậu cho rằng những nỗ lực phát triển năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng thay thế khác vẫn chưa phát triển đủ nhanh.
Để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, lượng phát thải carbon của thế giới cần đạt đỉnh vào năm 2024 và giảm xuống còn một nửa vào năm 2030. Tuy nhiên, thế giới hiện vẫn còn cách rất xa các mục tiêu trên.
Theo hãng tin AP, các cuộc tranh luận tại COP28 có khả năng sẽ xoay quanh việc “cắt giảm” hay “loại bỏ” việc sử dụng than, dầu và khí đốt. Các nước phương Tây nằm trong số những nước thúc đẩy tham vọng tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030. Tuy nhiên, các nhóm vận động môi trường cho rằng việc cắt bỏ mới là câu trả lời cuối cùng.
Một chủ đề nóng khác có khả năng xoay quanh việc huy động vốn cho các quốc gia kém phát triển hơn để chuẩn bị và ứng phó với những thảm họa liên quan đến khí hậu. Năm ngoái, việc thành lập “quỹ tổn thất và thiệt hại” là một thành tựu lớn nhưng việc tìm ra cách lấp đầy quỹ này lại rất khó khăn.
Các quốc gia vùng Vịnh sản xuất dầu mỏ được dự đoán cũng sẽ đối mặt với các câu hỏi liên quan tới việc gia tăng hỗ trợ tài chính để giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển sang các công nghệ xanh hơn, cũng như các câu hỏi liên quan tới việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, cũng giống như năm 2022 khi gần như toàn bộ sự chú ý của thế giới đổ dồn về chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraine, sự chú ý hiện nay lại đang đổ dồn tới khu vực Trung Đông đang xảy ra cuộc xung đột Israel - Hamas. Một thách thức khác chính là thu hút lại sự chú ý đến các vấn đề khí hậu vốn thường trở nên mờ nhạt sau khi các đợt nắng nóng giảm bớt.
Trong số các nguyên thủ và lãnh đạo thế giới, hiện Vua Charles III của Anh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã xác nhận sẽ xuất hiện tại COP28 ở Dubai. Đối với Mỹ, AP trích dẫn tuyên bố của Nhà Trắng ngày 29/11 cho biết, Phó Tổng thống Kalama Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken, đặc phái viên John Kerry, cố vấn khí hậu Ali Zaidi và cố vấn năng lượng sạch John Podesta sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận tại Dubai.
Trước đó, Giáo hoàng Francis đã lên kế hoạch tham gia COP28 nhưng buộc phải hủy bỏ theo yêu cầu của bác sĩ do các vấn đề liên quan tới quá trình phục hồi sức khỏe sau bệnh hô hấp của ông.
NGÂN HÀ/mekongasean.vn
Nguồn: https://mekongasean.vn/co-the-mong-doi-gi-tai-cop28-dubai-post29680.html