Cơ hội và thách thức với Net Zero

Việc Việt Nam cam kết về giảm phát thải ròng về bằng không (Net Zero) vào năm 2050 đã trở thành dấu mốc tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh.
 

Tuy nhiên, mục tiêu này cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức, đòi hỏi DN chủ động nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh.

Net Zero được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.

Theo kịch bản thông thường, tổng phát thải của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 932 triệu tấn, trong đó ngành năng lượng chiếm 680 triệu tấn. Do đó, để đạt được mục tiêu Net Zero là thách thức rất lớn. Còn theo Quy hoạch điện 8 được công bố vừa qua, lượng phát thải đến năm 2030 còn có thể 250 triệu tấn.

Các chuyên gia cho rằng, phát triển xanh ở Việt Nam đang có hai thách thức lớn.

Thứ nhất là về nguồn vốn, theo World Bank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt Net Zero, nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30/6/2023 chỉ đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh cũng không còn rẻ nữa. Hiện, lãi suất của FED, các nước châu Âu ở mức rất cao.

Thứ hai là năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải DN nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, trong thách thức luôn có cơ hội. Đó là việc Việt Nam có thể tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi từ các định chế tài chính lớn trên thế giới với các cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh.

Chuyển đổi xanh cũng sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong tương lai và thực thi các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, giúp DN thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào DN, giúp DN tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động, các chuẩn mực quản trị điều hành.

Từ đó, DN tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đặc biệt các thị trường yêu cầu có chứng chỉ xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Có thể thấy, Net Zero là một mục tiêu cực kỳ thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho sự kết nối, huy động tâm huyết, trí tuệ, sức mạnh của những người Việt trên khắp mọi nơi.

Và không chỉ dừng lại ở sự hứng khởi, Net Zero đang là yêu cầu cấp thiết của phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thị hiếu tiêu dùng... Đây cũng là cơ hội cho DN Việt Nam tìm kiếm hợp tác nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn chảy vào dự án chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, hạ tầng năng lượng...

 

Hà Lâm/kinhtedothi.vn

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/co-hoi-va-thach-thuc-voi-net-zero.html