Cơ hội phát triển điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và nhiệt điện khí trong nước

Các chuyên gia đề xuất, đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển mạnh điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước.
 

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam” do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 12/5 đã đề cập, chia sẻ các cơ hội phát triển, những vấn đề nổi cộm cũng như các giải pháp trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Cần tận dụng tối đa tiềm năng

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, đề xuất phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước (chuỗi khí - điện Lô B, Cá Voi Xanh), thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính.

trang-5-2048x1257

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Ông Tạ Đình Thi cũng chia sẻ, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó.

Một dự án điện gió ngoài khơi cần 6 - 7 năm (từ khi khảo sát đến lúc xây dựng xong). Dự án cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để phục vụ cho việc khảo sát, xây dựng lưới truyền tải và vận hành, bảo dưỡng. Theo đó, mặc dù các thiết bị chính phải nhập khẩu, những thiết bị phụ trợ Việt Nam có thể sản xuất được. Việt Nam cần sẵn sàng tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng cho điện gió đầy tiềm năng.

Bên cạnh đó, để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn điện rất lớn từ năng lượng tái tạo, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, Việt Nam cần phát triển từ 14.900 - 22.400 MW điện khí LNG nhập khẩu vào năm 2030 và có thể tăng lên đến 32.400 MW vào năm 2035.

“Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn. Hạ tầng điện khí gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là “chuỗi nhiên liệu” phức tạp, bao gồm cảng - kho - hệ thống tái hóa khí - đường ống - nhà máy điện. Cuối cùng là cơ chế giá và sự huy động phát điện để đảm bảo hiệu quả chuỗi dự án”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Khung chính sách, quy định phải rõ ràng

Ông Cáp Tuấn Anh – Phó trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cơ cấu nguồn điện nói chung và nguồn điện gió, khí nói riêng của giai đoạn đến 2030 đã được đơn vị tư vấn tính toán và cơ quan có thẩm quyền quyết định, quyết định phù hợp trong Quy hoạch điện VIII.

EVN cam kết thực hiện nghiêm túc chương trình phát triển nguồn điện của EVN đến 2030 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Diengio_Anh HUU Long, bao lao dong

Ảnh Hữu Long - Báo Lao Động

Các đơn vị khác cần phối hợp chặt chẽ với EVN và các đối tác liên quan để thực hiện nghiêm túc chương trình phát triển nguồn điện đến năm 2030 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên bán điện có xu hướng yêu cầu giá điện cao để tối đa hóa lợi nhuận nhưng EVN chỉ có thể mua điện ở mức giá hợp lý và tuân thủ các quy định của pháp luật.

“Trong nhiều trường hợp, có khoảng cách lớn giữa các yêu cầu của bên bán và khả năng đáp ứng của bên mua điện là EVN. Vì vậy, cần thiết có các quy định rõ ràng của cấp có thẩm quyền để đáp ứng nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro của các bên tham gia mua, bán điện mà trong đó EVN là một bên tham gia”, ông Cáp Tuấn Anh nêu vấn đề nổi cộm.

Thu hút khu vực tư nhân tham gia phát triển hạ tầng

Ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương nêu quan điểm: Các chính sách hiện hành liên quan đến Hợp đồng mua bán điện, mua bán khí làm cơ sở cho thu xếp vốn và đầu tư xây dựng chuỗi điện khí và điện gió hiện nay đã được quy định đầy đủ.

“Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu thu hút thêm sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia và đảm bảo cân bằng và an toàn vận hành hệ thống thì cần thiết tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách cũng như cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới”, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương nêu ý kiến.

Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt: Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện.

Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%; Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050.

Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

 Lê Hải - Ngọc Huy/www.phapluatplus.vn

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/co-hoi-phat-trien-dien-gio-tren-bo-dien-gio-ngoai-khoi-va-nhiet-dien-khi-trong-nuoc-d193659.html