Cơ hội chuyển đổi xanh

Những quy định mới trong chuỗi cung ứng, đặc biệt quy định từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam cùng với sự chuyển dịch chính sách trong nước hướng đến thực hiện cam kết 'net-zero' tại COP-26 đã tạo ra những áp lực rất lớn, buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi. Doanh nghiệp Việt ngày càng có nhiều động lực để bắt tay vào chuyển đổi xanh.
 

Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thực hiện các thay đổi đối với cách thức kinh doanh hiện tại thường gây tốn kém trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí vận hành, giảm sự lãng phí về nguồn nước, tiết kiệm các nguyên vật liệu đầu vào, tối ưu chuỗi cung ứng... Ngoài ra, các DN cũng có thể tránh được các loại thuế phí liên quan đến carbon và chất thải trong tương lai. Từ đó, tối ưu hoạt động và lợi nhuận.

Để chuyển đổi xanh, cộng đồng DN cũng đang nỗ lực thực hiện. Chẳng hạn với ngành dệt may xu hướng ứng dụng sợi tre đã được nhiều DN mạnh dạn đưa vào sản xuất. Kéo theo đó là hàng loạt công nghệ đã được phát triển cho phép sợi tre được sử dụng trong lĩnh vực dệt may hay thời trang và quần áo làm từ sợi tre cũng đã ra đời.

TS Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương cho hay, ngành dệt may toàn cầu đang dần chuyển đổi theo hướng “xanh hóa”, nghĩa là thay đổi quy trình sản xuất, lưu thông sản phẩm theo hướng giảm thiểu ô nhiễm đầu vào và đầu ra, tiết kiệm nguồn lực cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Xu hướng “xanh hóa” này được thể hiện thông qua các tiêu chí như: Hiệu quả năng lượng; Tiết kiệm nước; Sử dụng năng lượng tái tạo; Xử lý chất thải và bao bì...

Hơn nữa, xu hướng chuyển đổi xanh tác động đến dịch chuyển của chuỗi cung ứng hàng dệt may, đây là điều đã và đang tác động trực tiếp đến các DN dệt may trong thời gian gần đây.

Còn ông Phạm Tùng Linh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đức Giang cho biết, để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường nhập khẩu, DN đã chuyển hướng đầu tư sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải cacbon, đồng thời ứng dụng công nghệ số để thiết kế sản phẩm mẫu.

Trong ngành nông nghiệp, nhiều lĩnh vực cũng đang nỗ lực xanh hóa như ngành gạo, trái cây... Để bảo đảm tăng trưởng xanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp các địa phương hỗ trợ nông dân đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản xuất lúa bền vững, lúa hữu cơ; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ qua Hội nghị COP26, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển xanh trong tương lai, chúng ta càng cần phải thúc đẩy ý thức, khả năng của DN cũng như người tiêu dùng theo hướng tăng trưởng xanh nhiều hơn.


H.Hương/daidoanket.vn

Nguồn: http://daidoanket.vn/co-hoi-chuyen-doi-xanh-5727003.html