Hơn 20 quốc gia nhất trí tăng sản lượng hydro vào năm 2030
Ngày 26/9, hơn 20 quốc gia đã nhất trí tăng sản lượng hydro phát thải ít carbon từ 1 triệu tấn/năm hiện nay lên ít nhất 90 triệu tấn vào năm 2030. Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết thỏa thuận giữa các nước, trong đó Nhật Bản dẫn đầu cùng với sự tham gia của cả Mỹ, Australia và Đức, đạt được tại Hội nghị cấp bộ trưởng năng lượng hydro diễn ra tại Tokyo cùng ngày.
Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh nhiều nước đang đối mặt với rủi ro lớn về an ninh năng lượng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2 năm nay, và nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt giữa lúc nguồn cung toàn cầu hạn hẹp và giá tăng vọt.
Mục tiêu sản xuất 90 triệu tấn hydro/năm vào năm 2030 hơi thấp so với mức 95 triệu tấn mà Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA) cho là cần thiết trong cùng thời gian trên để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030. Trong báo cáo gần đây, IEA cho rằng: “Cần hỗ trợ nhiều hơn về chính sách để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hydro mới và sạch hơn trong ngành công nghiệp nặng và vận tải đường dài".
Chính phủ Đức tiếp tục duy trì 2 nhà máy điện hạt nhân
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng bùng phát do nguồn cung của Nga bị cắt giảm gần như hoàn toàn trong tháng 9, Chính phủ Đức ngày 27/9 thông báo sẽ duy trì các nhà máy điện hạt nhân ở chế độ sẵn sàng hoạt động cho đến sau năm 2022, nếu một số sự cố khiến các lò phản ứng hạt nhân của Pháp không thể cung cấp được dịch vụ.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết tình hình ở nước láng giềng Pháp - nhà cung cấp điện hạt nhân ở châu Âu, hiện không tốt, thậm chí trở nên tồi tệ hơn đáng kể những tuần gần đây. Các nhà máy hạt nhân của Pháp có thể tạo ra ít năng lượng hơn đáng kể so với dự kiến ban đầu, sau khi một số lò phản ứng đã phải đóng cửa.
Bộ trưởng Habeck cũng khẳng định 2 nhà máy điện hạt nhân của Đức có thể sẽ vẫn hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2023. Quyết định không chấm dứt hoàn toàn hoạt động của 2 trong số 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức đã làm trì hoãn kế hoạch từ bỏ điện hạt nhân dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel.
Queensland công bố kế hoạch năng lượng sạch trị giá 40 tỷ USD
Thủ hiến bang Annastacia Palaszczuk cho biết, Queensland sẽ cung cấp 70% nhu cầu năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2032 và 80% vào năm 2035, so với mục tiêu trước đó là 50% vào năm 2030.
Bà Annastacia Palaszczuk cũng cho biết kế hoạch 10 năm là "cam kết lớn nhất đối với năng lượng tái tạo trong lịch sử Australia", đồng thời, kế hoạch này bao gồm gói hỗ trợ 150 triệu đô la Úc cho những người lao động bị ảnh hưởng.
Cũng nằm trong kế hoạch, Queensland dự kiến xây dựng một con đập và dự án thủy điện bơm ở Thung lũng Pioneer gần Mackay sẽ cung cấp một nửa nhu cầu năng lượng trong tương lai của bang này.
Các kế hoạch năng lượng sạch bao gồm một siêu lưới điện mới kết nối các máy phát điện năng lượng mặt trời, gió, pin và hydro trên toàn tiểu bang, mở ra 22 GW công suất tái tạo mới, gấp 8 lần mức hiện tại. Trong số 8 nhà máy nhiệt điện than của Queensland, một số nhà máy sẽ ngừng hoạt động cho đến những năm 2040, sẽ vẫn là dự phòng cho đến khi hoạt động thủy điện tích năng được thay thế.
Ba Lan kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng trong mùa đông
Do tình hình địa chính trị hiện nay và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, Chính phủ Ba Lan ngày 25/9 thông báo chính thức phát động một chiến dịch thông tin chung về tiết kiệm năng lượng trong mùa Đông, tiếp bước các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã có động thái tương tự.
Theo Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa, chiến dịch nói trên với khẩu hiệu “Chúng tôi tiết kiệm năng lượng” nhằm thuyết phục người dân làm quen với những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày để sử dụng ít điện và nhiệt hơn.
Bộ trưởng Moskwa nhấn mạnh Chính phủ Ba Lan muốn người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng. Việc cùng nhau hành động sẽ giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm chi phí và tăng cường an ninh năng lượng cho Ba Lan trong thời điểm khó khăn hiện nay.
AGL sẽ đầu tư 13 tỷ USD vào năng lượng tái tạo
Nhà sản xuất điện hàng đầu của Australia đặt mục tiêu cung cấp lên đến 12 GW các dự án năng lượng tái tạo mới trước năm 2036 và dự kiến tài trợ cho các khoản đầu tư thông qua sự kết hợp của các tài sản trên bảng cân đối kế toán, các thỏa thuận bao tiêu và quan hệ đối tác.
AGL vào tháng 5 đã từ bỏ kế hoạch chia tách sau sự phản đối của tỷ phú Mike Cannon-Brookes, cổ đông hàng đầu và nhà hoạt động khí hậu. Hiện, công ty có mục tiêu tạm thời là bổ sung 5 GW năng lượng tái tạo mới vào năm 2030.
AGL, một trong những công ty gây ô nhiễm hàng đầu của đất nước, hiện đặt mục tiêu đóng cửa nhà máy điện Loy Yang A vào năm 2035. Bên cạnh đó, AGL đang triển khai việc đóng cửa nhà máy điện Liddell vào tháng 4/2023 và Bayswater từ năm 2030 đến 2033.
Công ty cho biết lượng phát thải khí nhà kính hàng năm dự kiến sẽ giảm từ 40 triệu tấn xuống mức "0" (net-zero) khi hoàn thành việc đóng cửa các nhà máy điện than.
G.Minh (t/h)
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/chuyen-dong-nang-luong-ben-vung-tuan-qua-hon-20-quoc-gia-nhat-tri-tang-san-luong-hydro-vao-nam-2030-667370.html