Chuyển đổi sang xe buýt sử dụng năng lượng xanh

Cần có lộ trình cụ thể đi kèm với những cơ chế, chính sách phù hợp để bảo đảm khả thi, cũng như quyền lợi của doanh nghiệp, là những vấn đề đặt ra đối với việc chuyển đổi xe buýt sử dụng động cơ xăng, dầu diesel sang sử dụng năng lượng xanh, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc giải quyết.
 

Xe buýt điện số 03 hoạt động trên tuyến Mỹ Ðình-Khu đô thị Ocean Park. (Ảnh PHẠM HÙNG)
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QÐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, tất cả xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ðối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: Giai đoạn 2025-2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45-50%. Ðến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt ít nhất 50%; toàn bộ xe ta-xi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Ðến năm 2050, toàn bộ xe buýt, xe ta-xi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (trực thuộc Sở Giao thông vận tải), qua rà soát, thành phố hiện có 130 tuyến buýt được trợ giá, với tổng cộng 1.966 xe. Trong đó, số phương tiện sử dụng năng lượng xanh là 220 xe, chiếm 11% cơ cấu đoàn phương tiện, bao gồm 81 xe buýt điện của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus; 139 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG) của Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến. Số xe buýt sử dụng động cơ dầu diesel chiếm tỷ lệ lớn, với 1.746 xe (89%).

Về lộ trình chuyển đổi, Trung tâm đã đề xuất Sở Giao thông vận tải Hà Nội theo nguyên tắc yêu cầu các tuyến buýt mở mới đều sử dụng phương tiện điện, năng lượng xanh. Dự kiến, số phương tiện cho các tuyến buýt mở mới giai đoạn 2023-2030 là 4.800 xe (mỗi năm 600 xe). Ðối với các tuyến buýt đến năm 2025 hết hạn, phải đấu thầu lại, nếu phương tiện hoạt động hơn 10 năm phải thay xe mới sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Trường hợp xe hoạt động từ 10 năm trở xuống (tính theo năm sản xuất) được phép sử dụng tối đa đến 10 năm, sau đó thay phương tiện mới theo đúng yêu cầu. Tổng cộng hơn 1.700 xe trên 111 tuyến sử dụng động cơ dầu diesel sẽ được chuyển đổi sang xe sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh trong giai đoạn từ năm 2025-2035.

Là đơn vị chủ lực về vận tải hành khách công cộng của thành phố, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, lộ trình như Chương trình đã nêu là có tính khả thi nếu các đơn vị khai thác vận tải công cộng được hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa. Mới đây, đơn vị này cũng đã trình UBND thành phố Hà Nội lộ trình dự kiến chuyển sang sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh và nêu rõ những điều kiện tiên quyết để thực hiện lộ trình là có thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải cần sớm ban hành Quy chuẩn quốc gia đối với xe buýt điện. Bởi thực tế hiện nay, Bộ Giao thông vận tải mới ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường đối với ô-tô khách thành phố, chưa có quy chuẩn riêng cho xe buýt điện. Khi có quy chuẩn cụ thể, rõ ràng để thẩm định, doanh nghiệp mới có thể hoàn thiện quy trình nhập khẩu, lắp ráp, sản xuất xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí hóa lỏng.

Một vấn đề quan trọng khác là hạ tầng cung cấp năng lượng, nhiên liệu cho xe buýt xanh hiện còn rất hạn chế, suất đầu tư lớn, là thách thức không nhỏ với các đơn vị vận tải. Theo các chuyên gia, muốn doanh nghiệp có thể sử dụng đại trà xe buýt điện, hay khí CNG chẳng hạn, thành phố cần bảo đảm nguồn cấp điện, các vị trí xây dựng trạm tích trữ, cung cấp khí CNG. Nếu giao cho doanh nghiệp tự xây dựng, thì thành phố cần có cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn.

Ngoài ra, cơ chế đấu thầu, trợ giá, khấu hao tài sản… cho vận tải công cộng hiện nay chỉ xây dựng cho xe buýt sử dụng xăng, dầu. Với xe buýt sử dụng năng lượng xanh, cần cơ chế, chính sách mới phù hợp, nhất là quy định về khấu hao phương tiện. Do xe buýt sử dụng năng lượng sạch có giá thành cao gấp nhiều lần xe xăng, dầu, cho nên nếu áp dụng cách tính khấu hao và niên hạn sử dụng như hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp có thể lỗ lớn.

Lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, qua tính toán, chi phí tiết kiệm được do chuyển từ xe buýt diesel sang xe buýt điện không thể bù đắp chi phí vận hành xe buýt điện, nhất là về chi phí đầu tư ban đầu và thay pin. Xe buýt điện đem lại lợi ích lớn về bảo vệ môi trường đối với Thủ đô. Bởi vậy, muốn chuyển đổi sang xe buýt điện, thành phố cần có chính sách nhất quán và bố trí đủ nguồn ngân sách trợ giá, bảo đảm ổn định hằng năm cho cả mạng lưới, nhằm duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng Thủ đô. Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Ðỗ Văn Bằng cho rằng, trong tất cả điều kiện cần thiết để chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng sang sử dụng năng lượng xanh thành công, cần chú trọng nhất đến chính sách. Chính sách là nền tảng cho việc chuyển đổi phương tiện công cộng, nhất là trong giai đoạn quá độ này.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đơn vị sẽ tham mưu UBND thành phố lộ trình cụ thể, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song cũng bảo đảm không gây xáo trộn việc đi lại của hành khách và tránh lãng phí, có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt đã đầu tư phương tiện chạy động cơ dầu diesel.

Quốc Toản/nhandan.vn

Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-doi-sang-xe-buyt-su-dung-nang-luong-xanh-post718620.html