Chuyển đổi phương tiện xanh cho Cần Giờ

Phát triển giao thông xanh ở huyện Cần Giờ cần quan tâm chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, tình hình thu nhập, đặc thù dân cư và điều kiện khí hậu tự nhiên của khu vực
 

Ngày 11-1, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM phối hợp Trường ĐH Việt Đức đã tổ chức hội thảo "Giải pháp phát triển giao thông xanh trên địa bàn huyện Cần Giờ" thuộc đề án khoa học "Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại TP HCM đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050".

Hỗ trợ người dân mua, đổi xe điện

Đại diện nhóm nghiên cứu đề án phát triển giao thông xanh Cần Giờ, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức), cho biết khi xây dựng đề án, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu 20%-30% người dân, 30%-50% du khách sử dụng giao thông công cộng tại Cần Giờ; 50%-70% người dân có xe máy điện và 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.

Khảo sát thực tế tại địa phương cho thấy gần 90% người dân sử dụng xe máy để di chuyển, hiếm khi sử dụng xe buýt. Bên cạnh đó, du khách đến huyện Cần Giờ khá đông. Do đó, để phát triển giao thông xanh trên địa bàn huyện, đây là 2 nhóm cần tập trung chuyển đổi phương tiện.

Cụ thể hơn, theo TS Vũ Anh Tuấn, để khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe máy điện, thành phố cần có chính sách ưu đãi tài chính để người dân mua xe, chuyển đổi xe như: giảm 50% lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với xe máy điện; hỗ trợ phí đổi xe, mua xe máy điện đối với gia đình, hộ cá nhân (hỗ trợ 10 triệu đồng/xe cho hộ nghèo, cận nghèo và 4-6 triệu đồng/xe đối với hộ thông thường); duy trì lãi suất vay ưu đãi khi mua xe máy điện. 

Cần tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển xe buýt năng lượng sạch ở Cần Giờ, TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Cần tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển xe buýt năng lượng sạch ở Cần Giờ, TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Ngoài ra, không áp dụng phí bảo trì đường bộ đối với xe máy điện, ô tô điện trong vùng; miễn phí gửi xe máy điện tại các công trình công cộng, bãi xe tư nhân (nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố); ngoài ra xe máy điện giảm 50.000 đồng/xe trên hóa đơn tiền điện (nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố).

Đồng thời, phân vùng để kiểm soát lưu thông đối với xe máy có tiêu chuẩn khí thải thấp. Theo đó, tổ chức làn đường ưu tiên cho xe máy điện trên đường Rừng Sác và nhân rộng trên một số tuyến đường của thị trấn Cần Thạnh như đường Duyên Hải, Lương Văn Nho.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển xe buýt năng lượng sạch, tần suất cao trên các hành lang trục chính, bổ trợ bởi xe buýt thu gom. Phát triển hệ thống trạm sạc, cung cấp năng lượng điện cho xe điện.

Quan tâm đến đặc thù dân cư

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông Vận tải, góp ý cần bám sát tinh thần Nghị quyết 98 để ưu tiên khoanh vùng thực hiện, đặt mục tiêu số phương tiện cần chuyển đổi kèm các giải pháp triển khai trong giai đoạn 2023-2028 (khi nghị quyết đang áp dụng) và các giải pháp sau năm 2028… bởi có những giải pháp có thể thực hiện ngay.

"Phải tính đến những phương tiện chưa chuyển đổi sẽ kiểm soát ra sao nếu áp dụng các giải pháp hỗ trợ tài chính nhưng người dân không thực hiện. Cùng với xe buýt phục vụ người dân, xe điện đưa rước học sinh là loại hình nên ưu tiên triển khai" - ông Hải gợi ý.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư lưu ý việc đầu tư các trạm sạc khi chuyển đổi phương tiện không nên để một doanh nghiệp đầu tư vì tạo thế độc quyền, chất lượng dịch vụ sẽ đi xuống, không khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện. Chưa kể, phải tính đến cần bố trí bao nhiêu trạm sạc. "Bên cạnh xe điện có thể xem xét phương tiện khác vì việc sản xuất điện cũng tạo ô nhiễm môi trường" - vị đại diện này cho hay.

Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho người dân, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhấn mạnh đề án khi hoàn thiện cần lưu ý đến điều kiện khí hậu tự nhiên của Cần Giờ bởi gió - biển - muối - nước làm phương tiện hư hỏng nhanh, ảnh hưởng kinh tế của hộ gia đình. 

Đặc điểm dân cư ở Cần Giờ khác với nơi khác khi chi phí vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng đều cao hơn, chuyển đổi giao thông xanh sẽ ảnh hưởng đến giá cả sinh hoạt chi tiêu của người dân. Phải tính toán kỹ, nếu không sẽ tạo rào cản khi thực hiện.

TS Trịnh Văn Chính, Trưởng Bộ môn Quy hoạch giao thông Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, chia sẻ chính sách khi triển khai phải đạt được sự thẩm thấu, đồng thuận đến địa phương, xã, ấp, từng người dân thì mới hiệu quả, có giải pháp cụ thể hơn là tuyên truyền, vận động chung chung. Ngoài những tuyến xe buýt nối kết giữa huyện, xã với nhau, cần những tuyến trục để phá thể độc đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội.

Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Xuân Long, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, đề nghị nghiên cứu thêm hệ thống đường thủy tại Cần Giờ bên cạnh việc chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ. Cũng cần phát triển tuyến đường sắt nhẹ từ trung tâm thành phố kết nối đến huyện Cần Giờ, qua đó thu hút nhà đầu tư cũng như phục vụ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.

Các chuyên gia cũng góp ý đề án phát triển giao thông xanh phải tính việc Cần Giờ định hướng phát triển cảng trung chuyển quốc tế, khu đô thị lấn biển, xây dựng cầu Cần Giờ. 

Vận dụng Nghị quyết 98

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, hướng phát triển quan trọng của TP HCM là "xanh" và "số". Trong đó, Nghị quyết 98 đã trao cho thành phố nhiều công cụ để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh như giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xe xăng sang xe điện...

Huyện Cần Giờ cũng được xác định cần tiên phong thí điểm các chính sách về phát triển xanh bằng việc vận dụng Nghị quyết 98, tại kỳ họp HĐND thành phố sắp tới, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM dự kiến tham mưu trình một số chính sách để chuyển đổi xanh cho huyện Cần Giờ.

 

THU HỒNG/nld.com.vn

Nguồn: https://nld.com.vn/chuyen-doi-phuong-tien-xanh-cho-can-gio-196240111204229158.htm