Chuyển đổi năng lượng đang có những bước tiến mạnh mẽ

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong đó Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cần chú trọng đến yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh gắn với mục tiêu giảm thiểu và với thích ứng với biến đổi khí hậu.
 

Ngành Xi măng là ngành phải ưu tiên tham gia hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải.

Ngành Xi măng là ngành phải ưu tiên tham gia hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải.

Việt Nam đã quan tâm đến phát triển năng lượng quốc gia và thực hiện chủ trương năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xác định phát triển năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với định hướng là “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.

Chuyển đổi năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT), Bộ Xây dựng, hai nhóm đối tượng phát sinh lượng khí nhà kính lớn nhất trong ngành xây dựng là sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) và vận hành tòa nhà.

Việc sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm 70% tổng phát thải trong sản xuất VLXD năm 2015. Tỷ trọng này tăng lên 75% năm 2020. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm vôi, xi măng là cao nhất.

Ngành công nghiệp thép cũng tiêu thụ năng lượng lớn và ngày càng tăng, chiếm xấp xỉ 5,2% tổng tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp với tổng phát thải khí nhà kính 12,7 triệu tấn CO2, tương đương vào năm 2016.

Việt Nam có 50 cơ sở sản xuất xi măng và 91 cơ sở sản xuất thép đã được ghi nhận phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và danh sách các doanh nghiệp sẽ được cập nhật 2 năm/lần.

Chính phủ Việt Nam xác định, ngành Xi măng và Thép phải ưu tiên tham gia hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS). Đây là hai ngành quan trọng cần thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.

TS. Hoàng Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam sử dụng trung bình 1,55 tấn nguyên liệu (đá vôi, đất sét, phụ gia)/tấn clanke; tiêu tốn khoảng 800 kcal/kg clanke (tùy vào lò nung); tiêu hao trung bình 95 kWh điện/tấn xi măng. Trong khi đó, hiện nay đã lắp đặt 23 dây chuyền tổng công suất 165,37MW (chiếm 20 - 30% lượng điện năng tiêu thụ).

Lãnh đạo Vụ VLXD cũng cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, việc đầu tư mới nhà máy sản xuất clinker phải đáp ứng các tiêu chí như: công suất trên 5.000 tấn/ngày/dây chuyền; gắn với vùng nguyên liệu; đầu tư đồng thời hệ thống tận dụng nhiệt khí thải cùng với các chỉ tiêu công nghệ và môi trường khác. Đến năm 2025, các dây chuyền clinker công suất thấp hơn 2.500 tấn/ngày phải đổi mới công nghệ, đầu tư trạm nghiền công suất phù hợp với cùng nguyên liệu và tăng tỷ lệ pha phụ gia.

Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Sỹ Linh cho biết: Các đơn vị sản xuất xi măng, thép và nhựa dự kiến sẽ là các bên liên quan tích cực tham gia thị trường carbon trong nước. Việc giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ carbon thấp, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển thị trường carbon trong nước, các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). Việc này sẽ tác động tới sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm VLXD như gang, thép, nhôm, xi măng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Tham tán Đại sứ về Biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam Mark George nhìn nhận, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực trong giảm phát thải khí nhà kính nói chung, trong ngành công nghiệp xi măng và thép tại Việt Nam nói riêng. Kế hoạch điều tiết thị trường carbon trong nước vào năm 2025 là một bước quan trọng, giúp các doanh nghiệp giảm phát thải một cách hiệu quả và tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế.

Thị trường EU, CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1/10/2023, giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/1/2024. Công cụ chính sách mới này cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu trong các ngành có mức phát thải cao gồm sản xuất gang, thép, nhôm, phân bón, xi măng, điện và hydrogen. Thuế bổ sung này được gọi là thuế carbon và được tính toán dựa trên mức độ phát thải của sản phẩm trong quá trình sản xuất.

Chính phủ Anh cũng đang tiến hành tham vấn về một cơ chế tương tự từ ngày 30/3 đến hết ngày 22/6/2023. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin, Chính phủ Anh đang tiến hành lộ trình 5 bước trong xây dựng và triển khai CBAM. Trước những động thái này, Thương vụ Việt Nam tại Anh kiến nghị, doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành chịu tác động của CBAM cần tăng tốc chuyển đổi năng lượng và từng bước ứng dụng công nghệ phi carbon hóa trong sản xuất.

Trong tương lai, CBAM sẽ tác động tới sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gang, thép, nhôm, xi măng và phân bón của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các ngành này sẽ gặp khó khăn khi lợi thế cạnh tranh nhờ giá điện rẻ hơn và chi phí bảo vệ môi trường thấp hơn sẽ giảm sút vì chi phí thuế carbon qua biên giới mới phát sinh. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp phát thải thấp sẽ có cơ hội tăng trưởng trong khi khối ngành công nghiệp phát thải cao sẽ suy giảm.

Hạ Ly/baoxaydung.com.vn

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/chuyen-doi-nang-luong-dang-co-nhung-buoc-tien-manh-me-356886.html