Nhân dịp tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng khóa 76 của Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã vừa có các cuộc tiếp một số tập đoàn năng lượng lớn tại Mỹ.
Cụ thể, tiếp lãnh đạo Tập đoàn Excelerate Energy, GE, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích GE, Excelerate Energy và các đối tác tiếp tục mở rộng, tăng cường đầu tư vào ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, là những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và hiện có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường của Việt Nam.
Tiếp các đối tác của Delta Offshore - Bac Lieu Energy, Chủ tịch nước hoan nghênh dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng Bạc Liêu của Delta Offshore Energy – dự án FDI lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ trước đến nay, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực. Chủ tịch nước mong muốn dự án này sẽ trở thành dự án kiểu mẫu về chất lượng, tiến độ với giá thành điện cạnh tranh nhất để qua đó thu hút được thêm các dự án năng lượng của Mỹ, đáp ứng nhu cầu về vốn của Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp các đối tác của Delta Offshore - Bac Lieu Energy
Tiếp lãnh đạo Tập đoàn Exxon Mobil, Chủ tịch nước đề nghị tập đoàn tiếp tục làm việc với các đối tác và cơ quan chức năng của Việt Nam để phát triển các dự án mà Exxon Mobil quan tâm. Hoạt động của các công ty dầu khí lớn của Mỹ trong đó có Exxon Mobil tại các vùng biển của Việt Nam, nhất là những khu vực nước sâu và nhiều tiềm năng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai phía mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng, phục vụ mục tiêu chung của cả Việt Nam và Mỹ là góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng đã chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Công ty CP Chân Mây LNG (CML - Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng) và GE, EE để phát triển dự án Chân Mây LNG (4.800 MW) tại Thừa Thiên Huế.
Biên bản ghi nhớ với EE trị giá 800 triệu USD này để hợp tác và phát triển dự án Chân Mây LNG và cơ hội tiềm năng sử dụng FSRU (đơn vị điều chỉnh lưu trữ nổi) của EE. Bên cạnh đó, CML cũng đã ký biên bản ghi nhớ với GE trị giá 2,4 tỉ USD để hợp tác và phát triển dự án Chân Mây LNG và cơ hội tiềm năng sử dụng tuabin và máy phát điện của GE.
Thanh Trúc (t/h)
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Chu-tich-nuoc-Nguyen-Xuan-Phuc-tiep-mot-so-tap-doan-nang-luong-lon-tai-My-6-18-12576