Tiến sĩ Sultan bin Ahmed Al Jaber, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ cao kiêm Chủ tịch COP28, đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin 2023 (BETD), trong đó ông kêu gọi Đức và cộng đồng quốc tế sẽ đoàn kết trong quá trình chuyển đổi năng lượng mang tính thực tiễn và công bằng, nhằm đảm bảo duy trì an ninh năng lượng cho hiện tại đồng thời xây dựng hệ thống năng lượng cho tương lai. Tiến sĩ Al Jaber cũng tiếp tục kêu gọi mở rộng quan hệ đối tác và kêu gọi các quốc gia mở rộng khám phá các nguồn năng lượng tái tạo.
|
Tiến sĩ Sultan bin Ahmed Al Jaber, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ cao kiêm Chủ tịch COP28
|
BETD là một diễn đàn quốc tế thường niên, thảo luận về phương thức thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu an toàn, với chi phí phải chăng và có trách nhiệm với môi trường. Sự kiện năm nay có sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp, đại diện của các nhóm xã hội dân sự, các nhà khoa học và phái đoàn từ hơn 60 quốc gia.
Trong bài phát biểu của mình, Tiến sĩ Al Jaber nhấn mạnh rằng, “Chúng ta phải tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trong bảy năm tới và mở rộng gấp sáu lần vào năm 2040 lên 50.000 terawatt giờ. Năng lượng tái tạo đang dần chuyển đổi ngành điện ─ cung cấp gần 90% tổng công suất phát điện mới vào năm ngoái. Chúng ta cần tận dụng sự tăng trưởng đó".
Trong bài phát biểu của mình, Tiến sĩ Al Jaber đã nhấn mạnh Đức và UAE chia sẻ một “tầm nhìn chung về tương lai của năng lượng tái tạo”. Theo Tiến sĩ Al Jaber, “Cả hai quốc gia đã thành công đưa năng lượng gió và mặt trời vào hỗn hợp năng lượng của mình. Ở Đức, năng lượng tái tạo hiện đã tăng đến 40% tổng sản lượng điện trong 30 năm. Tại UAE, chúng tôi đã xây dựng ba nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất và với chi phí thấp nhất trên thế giới tại cùng một địa điểm. Và thông qua Masdar, chúng tôi sẽ tăng danh mục đầu tư năng lượng tái tạo của mình lên bốn lần trong 7 năm tới ─ từ 25.000 megawatt năng lượng tái tạo đang hoạt động lên hơn 100 gigawatt.” Là biểu tượng cho tầm nhìn chung về quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, Tiến sĩ Al Jaber cũng nhấn mạnh thêm về vai trò then chốt của Đức trong việc thành lập Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), cơ quan này đã có Trung tâm Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại thành phố Bonn.
Tiến sĩ Al Jaber ca ngợi mối quan hệ giữa Đức và UAE là một mô hình hợp tác hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng sạch: "Trong hơn 50 năm qua, UAE và Đức đã có mối quan hệ chiến lược chặt chẽ liên quan đến an ninh năng lượng, phát triển công nghiệp bền vững và hành động vì khí hậu. Là trụ sở của ban thư ký UNFCCC ─ và là chủ nhà của ba sự kiện COP ─ Đức đóng một vai trò thiết yếu trong việc giải quyết thách thức khí hậu.” Tiến sĩ Al Jaber kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác: "Tôi xin được mời các đối tác tại Đức ─ và tất cả các đối tác trên toàn cầu ─ hợp tác với chúng tôi để xây dựng các dự án năng lượng tái tạo thương mại ở mọi khu vực trên thế giới."
Trích dẫn Báo cáo tổng hợp AR6 về Biến đổi khí hậu 2023 do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) ban hành, Tiến sĩ Al Jaber nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế cần hành động ngay lập tức để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. “Thế giới đang thua trong cuộc đua thực hiện mục tiêu giữ mức nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chúng ta chỉ có một thời gian ngắn để thực hiện một tiến trình điều chỉnh lớn. Vẫn còn thời gian, nhưng chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, và cần phải hành động cùng nhau và thực sự hành động thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh chóng, được quản trị tốt và công bằng”.
Tiến sĩ Al Jaber nhấn mạnh rằng để giảm 43% lượng khí thải toàn cầu, thế giới sẽ cần một cách tiếp cận tận dụng 'tất cả các biện pháp hiện có’. Tiến sĩ Al Jaber kêu gọi các nhà lãnh đạo khí hậu xem xét và theo đuổi nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác nhau. “Chúng ta cần xem xét mọi phương án. Phương án của chúng ta không chỉ là năng lượng tái tạo hoặc hydrogen hoặc hạt nhân hoặc thu giữ carbon hoặc chỉ sử dụng dầu và khí sử dụng ít carbon nhất. Mà đó là tất cả những giải pháp trên, ứng dụng đồng thời với các công nghệ mới chưa được phát minh, thương mại hóa và triển khai.” Tiến sĩ Al Jaber cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hydrogen trong việc hỗ trợ các ngành công nghiệp khó phân hủy như thép, xi măng và nhôm. Tiến sĩ Al Jaber ca ngợi những nỗ lực song phương giữa Đức và UAE trong sản xuất hydrogen.
Tiến sĩ Al Jaber nhấn mạnh cần sử dụng các công nghệ đã được chứng minh trong khi chờ đợi chuỗi giá trị hydrogen phát triển hoàn thiện. Tiến sĩ đã chỉ ra rằng việc thu giữ carbon là “yếu tố cần thiết để hạn chế khí thải.” Theo ông, “hoạt động thu hồi carbon trên toàn thế giới vẫn chỉ ở mức 44 triệu tấn mỗi năm. Như vậy là quá ít. Chúng ta cần nhân con số đó lên 30 lần để đạt được mức hơn 1.286 triệu tấn. Chi phí là rào cản chính. Chúng ta cần các quy định và trợ cấp khôn ngoan và tiến bộ từ chính phủ để giảm chi phí và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân. Chúng ta cần khám phá các công nghệ thu giữ carbon mới nổi như không khí trực tiếp, khoáng hóa và thẩm thấu”.
Tiến sĩ Al Jaber nhấn mạnh ngành năng lượng cần phải hợp tác chặt chẽ với tất cả các ngành công nghiệp để đạt được nền kinh tế phi cacbon trên quy mô lớn. Ông chia sẻ: “Khí thải carbon là một vấn đề ở quy mô công nghiệp và chúng ta cần một giải pháp ở quy mô công nghiệp. Bạn có thể đã nghe lời kêu gọi hành động của tôi vào đầu tháng này để ngành dầu khí có thể thực sự bắt đầu hành động, điều chỉnh mục tiêu để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và loại bỏ khí thải mêtan vào năm 2030. Chúng ta cần hình dung lại mối quan hệ giữa ngành năng lượng và tất cả các lĩnh vực khác. Một mối quan hệ mà ở đó ngành năng lượng hợp tác với các công ty có lượng phát thải lớn, các công ty công nghệ, cộng đồng tài chính và xã hội dân sự để tìm ra các giải pháp đột phá mà chúng ta cần".
Tiến sĩ Al Jaber tiếp tục kêu gọi cải cách toàn bộ cấu trúc tài chính quốc tế để đảm bảo các nền kinh tế đang phát triển không bị bỏ lại phía sau khi thế giới theo đuổi các giải pháp năng lượng sạch. “Các tổ chức này được thành lập gần tám mươi năm trước để giải quyết tình trạng bất bình đẳng sau chiến tranh và thúc đẩy quá trình tái thiết. Chúng ta cần hiện đại hóa nhiệm vụ của họ và cập nhật mô hình hoạt động của họ cho thế kỷ 21. Tài chính ưu đãi cần phải được mở rộng quy mô, ở mức độ sẵn có hơn và với mức lãi suất phải chăng hơn để có thể giảm rủi ro và thu hút tài chính tư nhân ở cấp số nhân. Nếu chúng ta thực hiện những bước đi đúng đắn ngay hôm nay, chúng ta có thể tạo ra một hướng đi với lượng phát thải carbon thấp dẫn đến mục tiêu tăng trưởng cao”.
Trong sự kiện BETD, Tiến sĩ Al Jaber sẽ có bài phát biểu quan trọng, tiến hành một loạt các cuộc gặp trực tiếp với các bộ trưởng và chức sắc cấp cao với sự tham gia của các xã hội dân sự. Các lãnh đạo mà ông sẽ gặp gỡ bao gồm Olaf Scholz, Thủ tướng Đức, Tiến sĩ Robert Habeck, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Liên bang Đức về các vấn đề kinh tế và hành động vì khí hậu, Annalena Baerbock và Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang, Jennifer Morgan, Đặc phái viên về Hành động Khí hậu Đức.
Berlin là điểm đến mới nhất trong chuyến công du toàn cầu của Tiến sĩ Al Jaber – bao gồm một loạt các chuyến thăm quốc tế để gặp gỡ và lắng nghe quan điểm của các đối tác thuộc chính phủ, xã hội dân sự, thanh niên, khu vực tư nhân và đại diện của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Cho đến nay, Tiến sĩ Al Jaber đã đến thăm Ấn Độ, Anh, Đức, Pháp, Mỹ và Đan Mạch. Các cuộc họp sắp tới sẽ được diễn ra ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Hải Anh/petrotimes.vn
Nguồn: https://petrotimes.vn/chu-tich-cop28-thu-giu-carbon-la-yeu-to-can-thiet-de-han-che-khi-thai-681660.html