Trang trại năng lượng Mặt Trời do công ty điện lực nhà nước Eskom đầu tư tại Nam Phi. Ảnh: afrik21.africa
Nhà máy điện Mặt Trời lớn nhất thế giới ở giữa sa mạc Sahara đại diện cho chính sách năng lượng mới của Morocco và toàn bộ lục địa châu Phi. Hydro xanh sẽ được sản xuất với sự trợ giúp của năng lượng Mặt Trời. Điều này cũng sẽ giúp nước Đức thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Chính sách “xanh” đầy tham vọng
Tại Ouarzazate, thuộc miền Nam Morocco, có một khu phức hợp năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới. 500.000 tấm pin năng lượng Mặt Trời tọa lạc trên một khu vực rộng lớn với tổng diện tích 1,4 triệu m2, tương ứng diện tích 200 sân bóng đá. Khu phức hợp này được gọi là Noor (tiếng Arập nghĩa là "ánh sáng"). Với 3 nhà máy điện Mặt Trời, khu phức hợp này cung cấp năng lượng xanh cho tổng số 1,3 triệu người.
Không lâu nữa, nhà máy điện thứ 4 sẽ sớm được kết nối với mạng lưới để tăng thêm công suất phát điện. Noor là trung tâm trong chính sách năng lượng đầy tham vọng của quốc gia Bắc Phi này. Mục tiêu mà Morocco đặt ra là vào năm 2050, 80% lượng điện tiêu thụ của nước này sẽ đến từ năng lượng tái tạo. Hiện tại, tỷ lệ điện xanh của Morocco đạt khoảng 35%. Tới năm 2030, nó sẽ là 52%.
Nhà máy năng lượng Mặt Trời Noor khổng lồ ở giữa sa mạc Sahara không chỉ là biểu tượng cho quá trình chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng của Morocco, mà còn là một dấu hiệu mạnh mẽ trong chính sách năng lượng mới của lục địa châu Phi. Hydro xanh sẽ được sản xuất từ nguồn năng lượng Mặt Trời bền vững.
Tháng Năm năm ngoái, 6 quốc gia châu Phi gồm Morocco, Ai Cập, Kenya, Mauritania, Namibia và Nam Phi, đã thành lập Liên minh hydro xanh châu Phi. Mục tiêu của liên minh là sản xuất ít nhất 500.000 tấn hydro xanh mỗi năm trong tương lai gần.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Riêng Nam Phi đã lên kế hoạch sản xuất số lượng này vào năm 2030. Angola và Ghana cũng đã bắt đầu sản xuất hydro xanh và nhiều nước châu Phi khác sẽ làm theo. Chính Nam bán cầu, nơi thường bị "chế nhạo" là nghèo nàn và lạc hậu, đang thực sự bước chân vào con đường trở thành "ngôi nhà mới của năng lượng xanh" của thế giới.
Đầu tư cho tương lai
Tại châu Âu nói chung và đặc biệt là nước Đức nói riêng, nhu cầu về năng lượng tái tạo là rất lớn. Chính phủ liên bang Đức muốn thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng, trong đó hydro được sản xuất từ nguồn điện "xanh" được coi là trung tâm của quá trình này. Đây là một giải pháp vừa có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của thế giới mà vẫn giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Về dạng "năng lượng của tương lai", Viện nghiên cứu Helmholtz của Đức mô tả: nó tương đối dễ vận chuyển, có thể tích trữ điện năng dư thừa và chuyển hóa trở lại thành các dạng năng lượng khác như nhiệt và điện.
Sự tham gia của Đức ở châu Phi là sâu rộng và toàn diện. Trong vài năm qua, hợp tác năng lượng với nhiều biện pháp hỗ trợ đã được chính phủ Đức thúc đẩy với nhiều quốc gia "lục địa Đen".
Ví dụ, Morocco đã nhận được khoản kinh phí 38 triệu euro để xây dựng một nhà máy thí điểm nhằm sản xuất khoảng 10.000 tấn hydro từ năm 2025. Namibia nhận được 30 triệu euro để phát triển 4 dự án hydro.
Theo Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế liên bang Đức, chỉ riêng khoản hỗ trợ năm 2022 trong lĩnh vực này đã lên tới 400 triệu euro. Hồi tháng 11/2022, thêm 550 triệu euro nữa đã được cung cấp "để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hydro xanh cùng với các nước mới nổi và đang phát triển".
Ngoài các khoản hỗ trợ của chính phủ còn có nhiều doanh nghiệp Đức đang hoạt động ở châu Phi. Một ví dụ là công ty Conjuncta có trụ sở tại thành phố Hamburg. Công ty này đã đầu tư vào ngành công nghiệp hydro ở Angola và Mauritania.
Trong tháng Ba vừa qua, công ty Conjuncta cùng với nhà cung cấp năng lượng Infinity của Ai Cập và công ty Masdar từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã ký một ý định thư với chính phủ Mauritania về việc xây dựng một dự án trị giá 34 tỷ USD.
Theo Giám đốc điều hành công ty Conjuncta, ông Stefan Liebing, dự án khổng lồ này sẽ có mối liên hệ chặt chẽ với Đức, cả với tư cách nhà cung cấp công nghệ và là người mua năng lượng xanh tiềm năng.
Đó là những khoản đầu tư cho tương lai. Cuộc xung đột tại Ukraine càng khiến các khoản đầu tư này trở nên quan trọng hơn. Theo ông Sebastian Vagt, người đứng đầu Quỹ Friedrich Naumann ở thủ đô Rabat (Morocco), trước đây, người ta chỉ đơn giản là muốn thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng tái tạo. Nhưng từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chủ trương mới là "thoát khỏi Tổng thống Nga Vladimir Putin". Châu Âu phải trở nên độc lập với Nga và đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình.
Do đó, chỉ 3 tháng sau khi cuộc xung đột tại Ukraine diễn ra, Ủy ban châu Âu đã trình bày kế hoạch REPowerEU về năng lượng sạch và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck đã công du khắp thế giới để đảm bảo sự thay thế cho khí đốt và dầu mỏ của Nga.
Cơ hội việc làm
Đối với châu Phi, nhu cầu năng lượng tái tạo tăng lên là một điểm cộng lớn. Ngành công nghiệp mới mang lại việc làm, thu nhập và tăng trưởng kinh tế.
Tại Namibia, một nhà máy điện hỗn hợp từ năng lượng gió và Mặt Trời trị giá gần 10 tỷ euro sẽ tạo ra tổng cộng 15.000 việc làm trong giai đoạn xây dựng và 3.000 việc làm lâu dài.
Trên diện tích 4.000 km2 trong Công viên quốc gia Tsau//Khaeb của Namibia, mỗi năm 300.000 tấn hydro và các nhiên liệu xanh khác như amoniac, metan sẽ được sản xuất và xuất khẩu. Tại Nam Phi, một dự án năng lượng xanh ở Northern Cape sẽ tạo ra 20.000 việc làm mỗi năm từ năm 2030 và từ năm 2040 sẽ là 30.000 việc làm.
Việc xuất khẩu nguồn năng lượng mới của các quốc gia châu Phi sẽ được đảm bảo trong một thời gian dài. Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng đến năm 2050, gần một phần tư nhu cầu năng lượng của thế giới sẽ được cung cấp bởi hydro xanh. Kế hoạch RePowerEU đặt mục tiêu sản xuất một nửa nhu cầu hydro xanh của châu Âu - ước tính khoảng 20 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030 - tại châu Âu và nhập khẩu nửa còn lại thông qua các quan hệ đối tác hydro xanh.
Châu Phi có đủ các điều kiện cơ bản cần thiết cho việc sản xuất hydro xanh: những vùng đất rộng lớn chưa được khai thác, nhiều nắng, gió, thủy điện và biển. Nước sử dụng để phân tách thành hydro và oxy bằng cách điện phân, sẽ đến từ các nhà máy khử muối trong khu vực.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Phi có thể cung cấp năng lượng cho toàn thế giới ở dạng hydro. Một phân tích của IEA với tựa đề Triển vọng 2022 cho biết "châu Phi có tiềm năng sản xuất 5.000 megaton hydro mỗi năm (1 megaton tương đương với 1 triệu tấn), với chi phí dưới 2 USD mỗi kg". Khối lượng này tương ứng với tổng nguồn cung cấp năng lượng của thế giới ngày nay.
Không chỉ có khối lượng sản xuất khổng lồ, mà giá thành sản xuất thấp đến mức không tưởng. Để so sánh, chi phí sản xuất ở Đức cao hơn gấp 3 lần. Tại khoảng 100 trạm nạp nhiên liệu hydro hiện có ở Đức, giá một kg hydro khoảng 13 euro.
Theo tính toán, mức giá hydro sản xuất tại Đức năm 2030 sẽ giảm và ở mức từ 3,9- 5 euro/kg. Trong khi đó, giá hydro hóa lỏng từ Morocco sẽ từ 4,58- 4,7 euro/kg, bao gồm cả chi phí vận chuyển và chuyển đổi trở lại thành hydro dạng khí ở Đức.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn sự bùng nổ hydro xanh ở châu Phi một cách tích cực. Có những tiếng nói lo ngại rằng điện xanh sẽ chủ yếu dành để sản xuất hydro xuất khẩu mà không mang lại lợi ích cho người dân địa phương.
Trong những năm gần đây, Liên hợp quốc đã ghi nhận sự gia tăng khả năng cung cấp điện trên toàn "lục địa Đen". Tuy nhiên, 43% dân số châu Phi, tương đương 600 triệu người, tiếp tục phải sống trong cảnh không có điện. Tại Namibia, một trong những đối tác hydro chính của EU, hiện chỉ có hơn một nửa dân số được sử dụng điện./.
Vũ Tùng (P/V TTXVN Tại Berlin)/bnews.vn
Nguồn: https://bnews.vn/chau-phi-dan-tro-thanh-ngoi-nha-moi-cua-nang-luong-xanh-nhu-the-nao/289804.html