Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), ngày 12/1, LKAB - công ty khai khoáng thuộc sỡ hữu nhà nước Thụy Điển thông báo phát hiện trữ lượng đất hiếm được cho là lớn nhất ở châu Âu tính đến nay.
Trữ lượng đất hiếm vừa được LKAB phát hiện nằm ở thành phố Kiruna, vùng cực bắc của Thụy Điển, trữ lượng dự báo hơn một triệu tấn quặng oxide đất hiếm.
Cũng theo SCMP, thông báo về việc phát hiện đất hiếm ở Thụy Điển được xem là một trong những tin vui hiếm hoi đầu năm mới ở châu Âu, khi khu vực vẫn chưa thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Thậm chí nhiều chuyên gia còn kỳ vọng mỏ đất hiếm ở Kiruna sẽ giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, theo bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty tư vấn tài chính Natixis lại cho rằng, khó có quốc gia nào có thể thay thế Trung Quốc trên thị trường khi nước này đang khai thác hơn 60% lượng đất hiếm trên thế giới.
Bà Herrero cũng nói rằng, trữ lượng ở các mỏ dù quan trọng nhưng vẫn không thể bằng việc Trung Quốc là nơi tinh chế đến 90% sản lượng quặng coban, lithium và niken của thế giới.
“Để giảm sự phụ thuộc, cách duy nhất là Liên minh Châu Âu phải hạ thấp các tiêu chuẩn môi trường đối với nhà máy tinh chế quặng hoặc tìm quốc gia khác để làm công việc này”, bà Herrero nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi tạo sân chơi bình đẳng bằng cách “giảm thiểu rủi ro, thay vì tách rời” trong mối quan hệ hợp tác về kinh tế với Trung Quốc.
Bà Ursula von der Leyen cũng thừa nhận rằng châu Âu phụ thuộc “98%” vào Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, đồng thời khẳng định cách tiếp cận của châu Âu trong cân bằng thương mại với Trung Quốc khác Mỹ.
Đất hiếm dùng để làm gì?
Francoise Nicolas, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp giải thích đất hiếm là khoáng sản “thiết yếu” để sản xuất ô tô điện và tuabin gió. Liên minh châu Âu (EU) vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài các ứng dụng của nó trong phát triển năng lượng sạch, đất hiếm còn chứa các nguyên tố quan trọng được sử dụng trong thiết bị quốc phòng.
Theo Tạp chí hàng không, vũ trụ Mỹ, quặng đất hiếm đang được sử dụng rộng rãi trong việc chế tạo các vật liệu từ tính làm nên linh kiện quan trọng trong tên lửa; động cơ tuabin trong máy bay và xe tăng; thông tin liên lạc vệ tinh và hệ thống radar.
Cũng theo Tạp chí hàng không, vũ trụ Mỹ, trong những năm 1960 – 1980, Mỹ từng là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc khai thác, tinh chế đất hiếm, nhưng vị trí này giờ đây thuộc về Trung Quốc.
Tại sao đất hiếm quan trọng?
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) dự báo, để đáp ứng được mục tiêu "phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050” của nhiều quốc gia châu Âu, sản lượng quặng đất hiếm vào năm 2020 phải tăng gấp 6 lần so với hiện tại.
Patrik Andersson, một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Thụy Điển lưu ý rằng việc khai thác khoáng sản đất hiếm chỉ là bước đầu tiên trong chuỗi cung ứng.
“Các khoáng chất được khai thác tại mỏ phải được xử lý thành các vật liệu và sản phẩm chất lượng cao mà ngành sản xuất châu Âu yêu cầu. Đối với Thụy Điển và các nước châu Âu khác, nút cổ chai chính không nắm được giai đoạn đầu tiên của chuỗi cung ứng mà chỉ là bên mua lại các thành phẩm từ quặng sau tinh chế”, ông Andersson phân tích.
“Những vật liệu và sản phẩm từ đất hiếm cần thiết cho ‘quá trình chuyển đổi xanh’ của châu Âu, và Liên minh châu Âu luôn coi trọng vấn đế này”, ông Andersson nói thêm. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ càng lớn hơn khi nhu cầu tăng lên.
Theo bà Nicolas cho biết việc phát hiện ra một trữ lượng đất hiếm khổng lồ ở Thụy Điển “có thể trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi” vì nó có thể giúp EU giảm bớt sự phụ thuộc vào đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Điều đáng nhấn mạnh ở đây là vấn đề không phải là dừng hợp tác với Trung Quốc, mà chỉ đơn giản là giảm tình trạng phụ thuộc quá mức vốn được xem như một rủi ro", bà Nicolas nói.
Đồng tình với Nicholas, bà Garcia-Herrero nói rằng “đây không phải là tách rời mà là đa dạng hóa nguồn cung”, Liên minh châu Âu đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách cải tổ lại một số bộ phận trong chuỗi cung ứng của mình.
Tuy nhiên, quan điểm của Andersson lại mang “ý chí chính trị rõ ràng” ở châu Âu đối với việc tách một phần hoặc có chọn lọc đối với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.
“EU muốn duy trì quan hệ thương mại mạnh mẽ và lành mạnh với Trung Quốc, nhưng họ cũng lo ngại về rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ Trung Quốc trong một số lĩnh vực, cũng như về sự thiếu tương hỗ trong thực tiễn thương mại và đầu tư”, ông Andersson nói thêm.
Nhưng như Nicholas đã chỉ ra, phải mất ít nhất 10 đến 15 năm trước khi đất hiếm được khai thác ở Thụy Điển có thể tung ra thị trường.
“Việc thăm dò địa chất sẽ không diễn ran gay lập tức, ngay cả khi giấy phép được rút ngắn, thì một dự án khai thác quặng quy mô lớn như vậy có khả năng phải đối mặt với sự phản đối do tác động có hại cho môi trường và xã hội của nó”.
TRÀ KHÁNH(Nguồn: SCMP)
Nguồn: https://vtc.vn/chau-au-phat-hien-mo-dat-hiem-1-trieu-tan-thi-truong-dung-truoc-thay-doi-lon-ar738826.html