Châu Âu đau đầu với an ninh năng lượng

Do phụ thuộc phần lớn vào khí đốt từ Nga, châu Âu bị hạn chế giải pháp ngoại giao về vấn đề Ukraine và có nguy cơ chứng kiến nguồn cung năng lượng rơi vào tình trạng hỗn loạn

Trong khi Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của châu Âu thì Ukraine là một phần quan trọng của tuyến vận chuyển nhiên liệu đó từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU).

Khó cắt đứt với Nga

Căng thẳng giữa hai mắt xích Nga và Ukraine là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng của châu Âu. Nếu nguồn cung khí đốt bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi chiến tranh hoặc chiến thuật đàm phán của Tổng thống Nga Vladimir Putin, các chuyên gia lo ngại giá dầu vốn đã cao sẽ tăng vọt.

Các doanh nghiệp có thể buộc phải đóng cửa tạm thời và nếu sự gián đoạn tiếp diễn, các hộ gia đình ở châu Âu sẽ còn phải gánh chịu chi phí năng lượng cao hơn nữa trong mùa đông.

Các nhà phân tích tỏ vẻ hoài nghi khả năng Tổng thống Putin sẽ cắt giảm nguồn cung khí đốt, một phần vì xuất khẩu khí đốt khá quan trọng đối với nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, căng thẳng xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với nhiều quốc gia châu Âu đã chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác.

Các đề xuất lệnh trừng phạt chống lại động thái triển khai quân sự của Nga có thể ảnh hưởng đến thương mại năng lượng. Điều này sẽ đẩy các thương vụ đầu tư hàng triệu USD và nhiều hợp đồng dầu, khí đốt rơi vào nguy hiểm, đặc biệt là những quốc gia như Đức và Ý vốn phụ thuộc vào khí đốt Nga nhiều hơn các nước khác.

Theo tờ The New York Times, Đức là khách hàng quan trọng nhất của Nga. Phần lớn khí đốt đến Đức đi từ Nga thông qua một đường ống dẫn lớn ở biển Baltic được gọi là Nord Stream. Tuyến đường ống thứ hai là Nord Stream 2 đã hoàn thành với chi phí 11 tỉ USD.

Giới chức Mỹ gần đây kêu gọi hoãn hoạt động của Nord Stream 2 trong khi các nhà phân tích cảnh báo rằng đường ống Nord Stream 2 có thể cho phép Nga tăng cường ảnh hưởng hơn nữa đối với cựu lục địa và cắt đứt nguồn thu phí của Ukraine nhờ vào hệ thống ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu, nguồn thu rất quan trọng đối với nền kinh tế của Kiev.

Theo tổ chức nghiên cứu chính sách về các vấn đề kinh tế Bruegel (Bỉ), vào năm 2021, 38% lượng khí đốt tự nhiên mà EU sử dụng đến từ Nga. Một số quốc gia, như Ba Lan và Lithuania, đã và đang giảm dần sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong khi một số khác ngày càng phụ thuộc.

Nếu nguồn cung khí đốt gián đoạn, các quốc gia nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ phải tìm nguồn cung thay thế. Một giải pháp ngắn hạn là nhập khẩu LNG từ các nước như Qatar và Mỹ.

Giới chức Mỹ gần đây kêu gọi hoãn hoạt động của Nord Stream 2, được hoàn thành với chi phí 11 tỉ USD, khi lo ngại nó có thể cho phép Nga tăng cường ảnh hưởng hơn nữa đối với châu Âu. Ảnh: REUTERS

Mỹ hưởng lợi

 
Mỹ đã tăng đáng kể xuất khẩu LNG sang châu Âu trong những năm gần đây. Ủy viên cấp cao phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson cũng đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với Azerbaijan và Qatar nhằm đẩy mạnh nguồn cung khí đốt.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn lo ngại nguồn cung thay thế khó có thể đáp ứng tất cả nhu cầu trong trường hợp nguồn khí đốt của Nga bị cắt đứt hoàn toàn. Ngay cả khi khí đốt Mỹ được đưa đến châu Âu thì đây cũng không phải giải pháp dài hạn.

Chính sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt bất kể nguồn gốc từ đâu đã khiến lục địa này dễ bị ảnh hưởng bởi thị trường khí đốt toàn cầu.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin từ lâu đã nhấn mạnh rằng ông không thích ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Tuy nhiên, nếu ra lệnh tấn công Ukraine, ông Putin có thể vô tình giúp khôi phục ngành công nghiệp này của Mỹ.

Trong năm nay, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã vực dậy nhờ giá dầu phục hồi mạnh mẽ. Căng thẳng Nga - Ukraine đã giúp giá dầu thô tăng lên 94-95 USD/thùng, lập đỉnh trong vòng 7 năm. Ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch Nhà cung cấp thông tin IHS Markit (Anh), nhận định Nga đã thành công trong việc "thổi" giá dầu thô và điều này đang làm lợi cho các công ty năng lượng Mỹ.

Trước đại dịch, Mỹ là nước sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, đồng thời còn là một nước xuất khẩu năng lượng lớn. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng (EIA), trong 4 tuần qua, Mỹ xuất khẩu trung bình 2,6 triệu thùng dầu/ngày và 4,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế/ngày, bao gồm xăng và dầu diesel.

Trong bối cảnh thị trường năng lượng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, Mỹ dự kiến tăng sản lượng thêm khoảng 900.000 thùng/ngày. Ngành năng lượng Mỹ hiện sản xuất khoảng 11,6 triệu thùng dầu/ngày và có thể quay lại mức trước đại dịch là 13 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Theo Công ty Dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes (Mỹ), tổng số giàn khoan dầu của Mỹ đạt khoảng 516, tăng 19 giàn trong tuần trước. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 4 năm qua.

 Chuyên gia John Kilduff của hãng tư vấn đầu tư Again Capital cho hay: "Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng của Ukraine đã thôi thúc các công ty khai thác thêm dầu thô. Một số công ty sẵn sàng chấp nhận chi phí cao hơn để khoan dầu trong ngắn hạn và trung hạn".

Cũng trong thời gian gần đây, các công ty năng lượng của Mỹ đã trở thành nhà cung ứng thay thế quan trọng cho châu Âu. Hồi tháng 1, các tàu chở LNG của Mỹ đã chuyển hướng từ châu Á và Nam Mỹ đến các cảng ở châu Âu.

Theo IHS, tính riêng tháng 1-2022, số lượng LNG nhập khẩu từ Mỹ của châu Âu đã tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp Mỹ vượt Nga lần đầu tiên trở thành nhà cung ứng khí đốt cho châu Âu. 

Thị trường châu Âu vào "tầm ngắm"

Nhà cung cấp thông tin IHS Markit (Anh) ước tính các tàu hàng của Mỹ đã vận chuyển khoảng 7,73 tỉ m3 khí đốt sang châu Âu trong tháng 1-2022 trong khi Nga cung ứng khoảng 7,5 tỉ m3 qua các đường ống giữa nước này với lục địa già. Các chuyên gia tại hãng phân tích thị trường năng lượng Kpler cho hay: "Dự kiến trong tháng 2, lượng khí đốt nhập khẩu từ Mỹ của châu Âu sẽ tiếp tục tăng".

Xuân Mai

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chau-au-dau-dau-voi-an-ninh-nang-luong-20220218193018525.htm