Câu chuyện dài hạn khi điện là trung tâm của việc chuyển đổi năng lượng

Việc chuyển đổi năng lượng, thay thế các nguồn nhiên liệu hoá thạch, truyền thống sang sử dụng các dạng năng lượng sạch hơn, ít phát thải và tiến tới trung hoà cacbon là xu thế của toàn cầu.

Với sự tiện ích, hữu dụng - điện trở thành nguồn năng lượng phổ biến trong tiêu dùng, sản xuất công nghiệp quy mô lớn…

“Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…” là quan điểm, định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020. Và để hiện thực hoá cam kết Netzero vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, Chiến lược phát triển Điện lực Quốc gia của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch Điện 8) đang được chỉnh sửa theo hướng “xanh hơn” các bản Dự thảo Quy hoạch trước đây.

Câu chuyện dài hạn - khi điện là trung tâm của quá trình chuyển đổi năng lượng đang là vấn đề đặt ra, cần nghiên cứu một cách khoa học nhằm bảo đảm đủ nguồn điện sạch cho công cuộc chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững.

Chuyển dịch năng lượng để đạt mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050 là một việc làm rất khó và rất thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội cho Việt Nam để chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hiện tại, khoảng 2/3 tổng phát thải quốc gia là từ ngành năng lượng, cho nên việc tích hợp năng lượng và tiết kiệm năng lượng là hai trụ cột chính trong việc chuyển dịch năng lượng Việt Nam...


Giới phân tích cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển điện mặt trời của Việt Nam, với tổng số giờ nắng cao lên đến 2.500 giờ/năm. (Ảnh: KT)

Ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cũng như rất nhiều chuyên gia cùng chung ý kiến, với sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả - coi tiết kiệm năng lượng là “nguồn năng lượng đầu tiên” góp phần quan trọng bảo đảm cung ứng năng lượng - thì việc tích hợp các nguồn năng lượng trong sản xuất điện, để có một hệ thống điện “xanh” vận hành ổn định, linh hoạt và có dự phòng là yêu cầu đặt ra, và phải có chiến lược bài bản.       

Việc thay thế nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang dùng điện là xu thế hiện nay trên thế giới. Và đương nhiên, nguồn điện cũng phải “xanh”. Nghĩa là, nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng khí LNG sẽ được giảm dần để bớt sự phụ thuộc và nhiệt điện than sẽ phải nghiên cứu thay thế, loại bỏ nhiên liệu đốt than bằng amoniac và hydro để đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Các nguồn điện mới sẽ phải được sản xuất chủ yếu từ năng lượng tái tạo - như điện gió, điện mặt trời, điện từ sóng biển, từ rác thải/sinh khối… mà Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển quy mô lớn.

Chỉ tính riêng tiềm năng kỹ thuật về điện gió của Việt Nam (bao gồm điện gió ngoài khơi), Ngân hàng thế giới (WB) dự báo có thể lên tới 600GW. Trong khi đó, Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam bản mới nhất được công bố vào trung tuần tháng 6/2022 cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi (ĐGNK) vào khoảng 160GW.

Đánh giá cao việc tăng mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong đó có việc bổ sung đáng kể nguồn ĐGNK trong bản Dự thảo Quy hoạch Điện 8 gần đây, với khoảng 7-8GW (7.000-8.000MW) vào năm 2030 và lên tới hơn 64GW vào năm 2045, song, các chuyên gia cho rằng phải tính toán kỹ lưỡng tiềm năng thực - có thể khai thác, trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn điện này.

Từ kinh nghiệm của Đan Mạch phải mất từ 7-10 năm mới hoàn thành được một dự án ĐGNK công suất lớn, ông Ulrik Eversbusch - Giám đốc Trung tâm Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch cho rằng: “Trước hết, ĐGNK đòi hỏi công tác quy hoạch hết sức thận trọng, kỹ lưỡng; đồng thời phải gắn kết với công tác quy hoạch không gian biển. Chúng ta phải xem xét xem là trong những trường hợp nào và những vị trí nào thì sự tồn tại của các trang trại điện gió ngoài khơi sẽ mâu thuẫn, xung đột với các mục đích sử dụng đáy biển khác”.

Giới phân tích cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển điện mặt trời của Việt Nam, với tổng số giờ nắng cao lên đến 2.500 giờ/năm.

Ông Sean M.Lawlor, Chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc trong việc tạm dừng phát triển thêm điện mặt trời trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: “Mặc dù có gặp khó khăn trong việc truyền tải nhưng nếu Việt Nam quyết định dừng phát triển năng lượng mặt trời đến năm 2030 thì nên cân nhắc lại, bởi vì với cơ chế đãi ngộ và thu hút đầu tư đúng đắn thì tôi nghĩ là vẫn có thể đạt được các chỉ tiêu vào năm 2030, và Hoa Kỳ cũng rất quan tâm trong việc Việt Nam đầu tư vào hệ thống truyền tải điện của mình một cách nhanh chóng và thuận lợi”.

Rõ ràng, phát triển điện từ NLTT trong đó điện gió và điện mặt trời là cơ hội cho Việt Nam. Mặc dù công nghệ đầu tư sản xuất điện gió và điện mặt trời cho giá thành ngày càng giảm, song với tính bất định của thời tiết, để có thể tận dụng, khai thác tối đa các nguồn điện này để trở thành nguồn điện ổn định, Việt Nam bắt buộc phải đầu tư hệ thống lưu trữ.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu phát triển mạnh NLTT gắn với quá trình chuyển đổi số, Việt Nam có thể cùng lúc đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

“Quan trọng nhất ở đây là năng lực công nghệ. Công nghệ năng lực bao gồm các nguồn để tạo ra điện và thứ hai là công nghệ số và chuyển đổi số gắn với truyền tải - ví dụ giữa việc đầu tư truyền tải với đầu tư công nghệ - tạm gọi là - lưu trữ điện và công nghệ số để nó tính toán, tích hợp, cân bằng giữa cung và cầu cộng với lưu trữ điện; thứ 3 là công nghệ lưu trữ điện. 3 điểm này là quan trọng nhất. Nếu mà công nghệ lưu trữ điện rẻ và tốt thì lúc ấy khái niệm cạnh tranh thị trường điện” - TS. Võ Trí Thành nói.

Đồng quan điểm này, theo nhiều chuyên gia, cùng với tính toán giá thành điện NLTT tới tay người tiêu dùng cuối cùng, cũng cần tính tới các chi phí để “xanh hoá” các thiết bị/pin lưu trữ NLTT khi hết tuổi thọ sử dụng.

Theo ông Bùi Thức Khiết, chuyên gia cao cấp về thuỷ điện, tiềm năng phát triển thuỷ điện ở Việt Nam về cơ bản không còn, trong khi đây là nguồn điện linh hoạt, hỗ trợ ổn định hệ thống nhanh nhất khi các nguồn điện gió, mặt trời được gia tăng mạnh. Vì thế, để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện quốc gia thì cùng với việc tính toán để mở rộng các nhà máy thuỷ điện hiện hữu (như Đa Nhim, Hoà Bình, Yaly, Thác Bà, Sơn La…) cần phải nhanh chóng xây dựng các nhà máy thuỷ điện tích năng cho hệ thống điện.

“Hiện nay chưa có một hệ thống ắc quy nào để mà tích trữ năng lượng những lúc thừa để bù vào những lúc thiếu, đấy là một trong những nhược điểm, phải có công nghệ tích năng của thủy điện. Nhưng tích năng của thủy điện thì cũng đòi hỏi xây dựng đồ sộ, tốn kém. Đây là một con đường mở ra cho việc sử dụng năng lượng tái tạo nên điện lực phải tính đến chuyện xây dựng nhiều nhà máy tích năng nhiều hơn nữa” - ông Bùi Thức Khiết nêu ý kiến.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc vận hành an toàn hệ thống điện phụ thuộc rất lớn vào các nguồn điện ổn định và linh hoạt. Trong khi đó, tổng công suất nguồn điện tại Dự thảo Quy hoạch Điện 8 bản mới nhất (cuối tháng 4/2022) đến năm 2030 là khoảng 145.000MW với công suất thuỷ điện còn khoảng 20% và các nguồn điện than, khí vẫn còn tương đối lớn nên không đáng lo ngại khi NLTT (gió, mặt trời) mới vào khoảng hơn 30%.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2030-2045, tổng công suất nguồn điện của hệ thống có thể lên tới 387.000MW (nghĩa là gấp 5 lần hiện nay), trong đó NLTT (gió, mặt trời) chiếm hơn 50% mà thuỷ điện chỉ còn khoảng 10%, cộng với các nguồn điện linh động khác như điện khí (tính cả LNG ) khoảng 20%, nếu Việt Nam không tính toán xây dựng  các nguồn điện ổn định và linh hoạt khác thì rất khó khăn cho vận hành an toàn hệ thống cũng như có thể khai thác tối đa các nguồn điện từ NLTT.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên hồi đầu năm 2022 (ngày 14/02/2022) ông Alok Kumar Sharma - Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP26) đã đề xuất Việt Nam cần tính tới việc tái khởi động nguồn điện hạt nhân như một “nguồn điện sạch” để phát triển NLTT một cách bền vững.

Về đề xuất này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm: “Về phát triển điện hạt nhân, tôi rất đồng tình là xu thế tất yếu của thế giới. Bởi lẽ đây là nguồn điện nền quan trọng nhất để chúng ta có thể khai thác phát triển tiềm năng vô tận của NLTT”.

Trong rất nhiều toạ đàm, hội thảo, công bố các Báo cáo về triển vọng Năng lượng của Việt Nam nhiều năm nay, vấn đề được PGS. TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện khoa học công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản đặt ra, đó là cần phải coi điện hạt nhân như một nguồn điện để nghiên cứu, đồng thời với đó là vấn đề nguồn cung nhiên liệu cho các loại hình sản xuất điện khác.

“Trong phần về năng lượng Việt Nam chúng tôi không thấy xuất hiện các kịch bản về phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Chúng tôi nghĩ là chúng ta khi nói đến phát triển năng lượng có lẽ chúng ta cũng phải chú ý đến các nguồn…  Thứ hai liên quan đến vấn đề khi chúng ta giảm chúng ta giảm điệt điện than, nhập khẩu than nhưng LNG là đối tượng thay thế thì chúng ta cũng phải nghĩ đến câu chuyện nhập khẩu như thế nào, hệ thống cầu cảng, đặc biệt là chi phí thời gian tới. Cuối cùng, khi chúng ta nói rằng là phát thải” - PGS. TS Phạm Hoàng Lương nói.

Phát triển NLTT thay thế năng lượng truyền thống là cơ hội lớn cho Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng 0, nhất là khi điện đã và đang trở thành trung tâm của chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc Việt Nam phải tính tới, đó là cùng với vấn đề công nghệ và tài chính cho việc phát triển NLTT là vấn đề xử lý các nguồn thải từ các nhà máy điện này. Nhưng quan trọng hơn, vẫn là việc đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia, mà để có thể đối trọng, thay thế hoàn toàn nguồn nhiện điện than và giảm phụ thuộc nhiệt điện khí thì điện hạt nhân cũng là vấn đề cần nghiên cứu và tính tới trong dài hạn.

Giải pháp được cho là hiệu quả cả trong trước mắt cũng như lâu dài - được các chuyên gia khuyến cáo - đó là cần nâng cao ý thức về sự hữu hạn của nguồn cung, để thực sự tạo sự chuyển biến từ nhận thức trở thành hành vi của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.

https://vov.vn/kinh-te/cau-chuyen-dai-han-khi-dien-la-trung-tam-cua-viec-chuyen-doi-nang-luong-post955680.vov