Một khu vực của hồ Mead gần Las Vegas, Nevada (Mỹ) từng nằm dưới nước nhưng đã khô cạn sau nhiều năm hạn hán và sử dụng nước quá mức. Ảnh: AFP
Trong bản cập nhật khí hậu hàng năm, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, từ năm 2023 đến 2027, có 66% khả năng nhiệt độ hành tinh sẽ tăng lên trên mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm.
Theo báo cáo của WMO, khi nhiệt độ tăng lên, nguy cơ Trái đất sẽ chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục ít nhất 1 trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, là 98%.
WMO cho biết, việc vi phạm ngưỡng 1,5 độ C có thể chỉ là tạm thời, nhưng đó sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy biến đổi khí hậu đang tăng tốc nhanh như thế nào. Nó đẩy mực nước biển dâng nhanh, khiến thời tiết khắc nghiệt hơn và làm các hệ sinh thái quan trọng bị suy tàn.
Các quốc gia đã cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ - tốt nhất là 1,5 độ C - so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học coi mức nóng lên 1,5 độ rất quan trọng. Nếu vượt qua mức đó, khả năng xảy ra lũ lụt nghiêm trọng, hạn hán, cháy rừng và thiếu lương thực có thể tăng lên đáng kể.
“Báo cáo này không có nghĩa là chúng ta sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,5 độ C được quy định trong Thỏa thuận Paris vốn đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng nguy cơ sẽ tạm thời vi phạm mức 1,5 độ C với tần suất ngày càng tăng” - Tổng Thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết trong một tuyên bố.
Sự gia tăng nhiệt độ được thúc đẩy bởi sự gia tăng ô nhiễm làm nóng hành tinh do đốt nhiên liệu hóa thạch. Nó cũng liên quan tới sự xuất hiện của El Nino, một hiện tượng khí hậu tự nhiên có tác động làm nóng toàn cầu.
Theo GS Petteri Taalas, hiện tượng El Nino dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng có. Ông khẳng định điều này sẽ có những tác động sâu rộng đối với y tế, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Trước tình hình đó, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng.
Năm nóng nhất hiện nay được ghi nhận là 2016, sau sự kiện El Nino rất mạnh. El Nino có xu hướng làm tăng nhiệt độ vào năm sau khi nó phát triển, điều này có thể khiến 2024 trở thành năm nóng nhất được ghi nhận.
Thế giới đã chứng kiến sự nóng lên khoảng 1,2 độ khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và tạo ra ô nhiễm làm nóng hành tinh. Mặc dù đã 3 năm có La Nina làm mát, nhiệt độ vẫn tăng vọt đến mức nguy hiểm. 8 năm qua là kỷ lục nóng nhất.
Báo cáo cho biết khả năng tạm thời vượt quá 1,5 độ C đã tăng đều đặn kể từ năm 2015, khi WMO đặt nguy cơ vi phạm ngưỡng này ở mức gần bằng 0.
Tại sao 1,5 độ lại quan trọng?
WMO cho biết nhiệt độ gần bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2027 được dự đoán là cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,8 độ C so với mức trung bình của những năm 1850 - 1900. Đây là thời kỳ trước khi sự ô nhiễm gia tăng mạnh mẽ làm nóng hành tinh do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo thế giới cần duy trì mức tăng nhiệt độ trong khoảng 1,5 độ C để tránh những thay đổi thảm khốc và có nguy cơ không thể đảo ngược.
Sự nóng lên trên mức 1,5 độ C làm tăng khả năng kích hoạt các điểm bùng phát lớn, bao gồm cái chết của các rạn san hô và sự tan chảy của các tảng băng ở 2 cực, khiến nước biển dâng lên, tàn phá các cộng đồng ven biển.
Riêng tại Mỹ, 13 triệu người có thể buộc phải di dời do mực nước biển dâng vào cuối thế kỷ này. Đối với nhiều quốc đảo nằm ở vùng thấp Thái Bình Dương, sự nóng lên trên 1,5 độ C là mối đe dọa đối với sự sống còn của họ. Nhiệt độ tăng cũng làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm hạn hán, bão, cháy rừng và sóng nhiệt.
Ngay trong năm nay, hàng loạt kỷ lục về nhiệt độ đã bị phá vỡ, thậm chí còn lập kỷ lục mới trên khắp thế giới. Tháng 3, nhiều vùng của Argentina phải vật lộn với nhiệt độ tăng lên hơn 10 độ C so với mức bình thường. Các kỷ lục về nhiệt độ cao được xác lập ở phần lớn châu Á vào tháng 4, trong khi kỷ lục về nhiệt độ ở Tây Bắc Thái Bình Dương bị phá vỡ vào tháng 5.
Theo NASA, việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ có thể giúp giảm khoảng 420 triệu người tiếp xúc với sóng nhiệt cực đoan.
Cơ hội hành động đang khép lại
Nhiệt độ đại dương ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương ấm lên do hiện tượng El Nino mạnh vào tháng 1/2016. Ảnh: NOAA
Ngưỡng 1,5 độ có thể quan trọng, nhưng bản thân nó không phải là điểm bùng phát. Với mỗi phần nhỏ của 1 độ mà thế giới ấm lên, những tác động sẽ càng tồi tệ hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là chỉ giảm một chút sự nóng lên cũng mang lại lợi ích.
Các nhà khoa học nói rằng, trong khi cơ hội hành động đang khép lại, vẫn còn thời gian để giảm sự nóng lên toàn cầu bằng cách tránh xa việc đốt dầu, than và khí đốt và hướng tới năng lượng sạch.
Nhiều người cũng kêu gọi các biện pháp thích ứng để chuẩn bị cho các tác động khí hậu đã hình thành, chẳng hạn như tạo những bức tường ven biển rộng lớn để bảo vệ các cộng đồng khỏi mực nước biển dâng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên Hợp Quốc tại Dubai vào cuối năm nay, các nước sẽ thực hiện “kiểm kê toàn cầu” để đánh giá tiến độ của họ đối với các mục tiêu đã nêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris.
Họ dự kiến sẽ còn một chặng đường dài để đạt được các mục tiêu nhằm giữ mức nóng lên trong phạm vi 1,5 độ bằng cách cắt giảm ô nhiễm hơn 40% vào năm 2030.
Theo CNN
Cẩm Bình/Báo Giáo dục & Thời đại
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/canh-bao-nhiet-do-toan-cau-tang-cao-ky-luc-post640368.html