Cần có chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam có có tiềm năng lớn là 1 trong 5 trung tâm điện gió ngoài khơi của thế giới (cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ).

Biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất đang khiến Việt Nam khó khăn hơn khi tiếp cận Mục tiêu thiên niên kỷ là đảm bảo phát triển kinh tế trong môi trường mang tính bền vững. Xu hướng phát triển năng lượng xanh trên thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá.

Việt Nam có tiềm năng về gió rất lớn, nhất là tại các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào khu vực phía Nam. Chính phủ cũng đặt ra nhiều tham vọng nâng công suất điện gió đến năm 2020 là 800 MW, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỉ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.

Hiện nay trang trại gió biển Bạc Liêu đầu tiên với công suất 100 MW đã hoạt động cung cấp khoảng 300 triệu kWh/năm và tới năm 2025, lên tới 1.000 MW hay 3 tỉ kWh/năm.

Cụ thể, các trang trại tua bin gió tại Bạc Liêu đã hoạt động tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cơ hội thu hồi vốn khoảng hơn 10 năm, so với tuổi thọ tua bin 50 năm. Trang trại gió biển hiện đóng góp ngân sách cho địa phương với nguồn thu ổn định, như tỉnh Bạc Liêu đạt 76 tỉ đồng/năm, khi hoàn thành trang trại gió 1.000 MW sẽ lên tới gần 760 tỉ mỗi năm.

Năng lượng gió trên biển được chuyển đổi thành điện năng nhờ các tuốcbin gió và được chế tạo với tuổi thọ cao hơn phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển.

Mặt khác, các trang trại năng lượng gió ngoài khơi sẽ là những điểm tham quan, du lịch học tập, là “mắt thần” giúp tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.

Với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã ban hành về phát triển năng lượng tái tạo biển, điện gió ngoài khơi, năng lượng sóng, thủy triều và hải lưu, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ Liên minh châu Âu dễ dàng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Đây là cơ hội cho Việt Nam có tiềm năng, đột phá đi đầu ASEAN, trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới và thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển hỗ trợ và tương lai xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN và lân cận.

Để thực hiện được điều này, các nhà khoa học về năng lượng tái tạo biển đều cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi như: sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Kế hoạch hành động quốc gia về lộ trình các bước phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chính sách giá mua điện, đấu nối lưới điện quốc gia, chính sách thuê mặt biển, chính sách thuế carbon của quốc gia; thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về điện gió ngoài khơi, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu đề án tích hợp phát triển kinh tế biển dựa vào điện gió ngoài khơi; đề án chuỗi cung ứng dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và nhân lực phục vụ năng lượng gió biển; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án điện gió ngoài khơi xa bờ có công suất lớn hơn 500MW.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng công suất điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch là 11.800 MW. Trong số này, chỉ có 3 dự án (tổng công suất lắp đặt 152,3 MW) được xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2011 - 2018. Còn từ khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (ban hành tháng 9/2018) tới tháng 3/2020, đã có 78 dự án điện gió với tổng công suất 4.800 MW được đưa vào Quy hoạch Phát triển điện lực. Tiếp đó, Thủ tướng có Văn bản 795/TTg-CN (tháng 6/2020) đồng ý về chủ trương bổ sung thêm 7.000 MW điện gió vào Quy hoạch điện hiện hành.

Trong số 11.800 MW điện gió nói trên, có 4.500 MW điện gió trên biển của khoảng 60 dự án. Như vậy, nếu cộng thêm con số 61.200 MW điện gió ngoài khơi đang được đề nghị tới Bộ Công Thương, có thể thấy, mối quan tâm đến điện gió trên biển là không nhỏ.

Trước thực trạng đó, chính Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần tính toán tổng thể cơ cấu nguồn điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện VIII để tránh việc thực hiện khảo sát riêng lẻ, gây lãng phí.

Cần nói thêm, theo báo cáo về khả năng giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán theo yêu cầu của Bộ Công Thương hồi tháng 8 và tháng 10/2020, thì khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận không còn khả năng giải tỏa thêm công suất các dự án năng lượng tái tạo đến năm 2023.

Ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng, khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch.

“Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn”, ông Kim Hojlund Christensen khuyến nghị.

Còn Giám đốc điều hành của Hiệp hội Điện gió toàn cầu Ben Backwell lại nhận định, Việt Nam đã được công nhận rộng rãi là quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Việt Nam đã và đang thu hút cũng như cam kết đầu tư từ một số doanh nghiệp đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực này.

“Chính phủ Việt Nam cần tránh làm chậm lại các khoản đầu tư thực sự cần thiết cho ngành này bằng cách gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FiT, từ đó đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện, tạo ra hàng chục nghìn việc làm có tay nghề cao và cung cấp năng lượng sạch, cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Ben Backwell nêu ý kiến.

Hà Linh