Bộ Công Thương vào cuộc kiểm tra phát triển điện mặt trời theo chỉ đạo Thủ tướng

Trước việc phát triển ồ ạt điện mặt trời đã không kiểm soát sự phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, gây khó khăn cho vận hành hệ thống điện quốc gia và có thể gây lãng phí tài sản, nguồn lực xã hội, gây tâm lý lo lắng, bức xúc của các nhà đầu tư... Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố và EVN rà soát các vấn đề liên quan đến điện mặt trời ở nước ta. 
Như chúng ta đã biết, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là 69.300 MW, trong đó công suất năng lượng tái tạo đạt 21.200 MW (gồm thuỷ điện nhỏ 3.600 MW, điện sinh khối hơn 300 MW, điện gió hơn 600 MW, điện mặt trời 8.600 MW, điện mặt trời mái nhà 7.900 MW) chiếm 30,6% tổng công suất hệ thống. Riêng điện mặt trời (mặt đất và mái nhà) đạt 16.500 MW, chiếm 23,9% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Việc phát triển tích cực điện mặt trời trong 2 năm qua là nhờ cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời, góp phần đảm bảo cung ứng điện và an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và xã hội, việc phát triển ồ ạt điện mặt trời mái nhà đã không kiểm soát sự phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, gây khó khăn cho vận hành hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2021 đã phải thực hiện phương án giảm phát nguồn điện mặt trời, có thể gây lãng phí tài sản, nguồn lực xã hội, gây tâm lý lo lắng, bức xúc của các nhà đầu tư.

Ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 185 TTg-CN yêu cầu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố và EVN rà soát các vấn đề liên quan đến điện mặt trời ở nước ta. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các tỉnh và EVN tiến hành:

Thứ nhất: Rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mái nhà, nghiên cứu xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết và không để xảy ra hậu quả xấu.

Thứ hai: Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà, kịp thời chấn chỉnh, xử lý ngay sai phạm (nếu có), nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời mái nhà.

Thứ ba: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả tốt nhất đối với nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới, không để sơ hở trong cơ chế chính sách ban hành, có các biện pháp hạn chế việc cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo đã vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của các nhà đầu tư và lãng phí nguồn lực xã hội.

Thứ tư: Rà soát tổng thể nguồn điện, cập nhật cân bằng cung - cầu, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đồng thời khẩn trương hoàn thiện trình đề án Quy hoạch điện VIII.

Thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo tại Văn bản 185 TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua Bộ Công Thương đã có văn bản số 1216/BCT-ĐL ngày 8/3/2021 gửi UBND các tỉnh, EVN đề nghị rà soát báo cáo các nội dung có liên quan và cử đầu mối phối hợp với đoàn kiểm tra. Đồng thời, Bộ đã có quyết định số 795 /QĐ-BCT ngày 7/3/2021 về việc kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời và thành lập đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo chủ trì. Theo dự kiến, Đoàn sẽ thực hiện kiểm tra trước 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn.

Đến nay, EVN đã có các văn bản số 1245 /EVN-KD ngày 16/3/2021 báo cáo kết quả phát triển điện mặt trời mái nhà đến ngày 31/12/2020 và số 1246/EVN-KD ngày 16/3/2021 báo cáo tổng hợp số liệu về điện mặt trời; các công ty điện lực các tỉnh, thành phố đã tổng hợp danh sách chi tiết các dự án điện mặt trời mái nhà gửi Sở Công Thương các địa phương trước ngày 11/3/2021.

Được biết, Đoàn kiểm tra đang bắt đầu công việc từ ngày 17/3/2021 cho đến cuối tháng 4/2021.

Về điện mặt trời mặt đất: Tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020, cả nước có 146 dự án điện mặt trời nối lưới (mặt đất, mặt hồ) với tổng công suất 8.900 MW, tuy nhiên, trong đó có 3 dự án chưa được công nhận COD với công suất khoảng 250 MW.

Về điện mặt trời mái nhà: Tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020, cả nước có 105.996 hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành, tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp (khoảng 7.784 MWac), sản lượng tích lũy ước đạt khoảng 1.337.093 MWh, giảm phát thải khoảng 1.220.766 tấn khí CO2, góp phần bổ sung nguồn điện sạch, tại chỗ, góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện năm 2020, giảm phát điện chạy dầu giá cao, huy động tốt nguồn lực của xã hội. Trong số đó, phần lớn tập trung tại 2 Tổng công ty Điện lực miền Nam và miền Trung (lượng công suất lắp tại địa bàn do Tổng công ty Điện lực miền Nam quản lý là trên 5.603 MWp, do Tổng công ty Điện lực miền Trung quản lý là hơn 3.054 MWp).

Ngoài ra, còn có 1.399 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 1.129,7 MWp đã được các đơn vị của EVN thỏa thuận đấu nối, nhưng chủ đầu tư chưa kịp lắp đặt do các nguyên nhân khách quan như vướng mắc pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thiếu vật tư lắp đặt, nhiều chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án.

Hy vọng rằng, sau khi kiểm tra lần này sẽ góp phần chấn chỉnh việc phát triển không đúng mục tiêu của điện mặt trời (nhất là điện mặt trời mái nhà) và điều quan trọng hơn là giúp giảm sơ hở, lỗ hổng trong nội dung dự thảo các cơ chế, chính sách trong thời gian tới, đồng thời nhìn nhận được các giải pháp nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện mặt trời đã vận hành, hạn chế thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư và tránh lãng phí nguồn lực của xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng và Chính phủ./.

Theo NGUYỄN THÁI SƠN - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM