Bộ Công Thương giải đáp loạt kiến nghị nóng về phát triển năng lượng

Những vấn đề về tạm dừng phê duyệt nhà máy điện than, xem xét đầu tư điện hạt nhân hay gia hạn giá FIT cho điện gió, ĐMT được các hiệp hội đưa ra nhiều kiến nghị.
Loạt vấn đề liên quan đến năng lượng sạch, năng lượng thay thế, đặc biệt là Quy hoạch Điện VIII được nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội đặc biệt quan tâm tại Diễn đàn Doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam thường niên tổ chức sáng 21/2.

Kiến nghị khai thác địa nhiệt, hydro, tài nguyên sinh khối

Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham nói rằng, đường lối chính sách của Chính phủ Việt Nam tại COP26 cùng cam kết trung hòa phát thải carbon vào năm 2050 và loại bỏ sử dụng điện than là rất đáng ngưỡng mộ.

Mặc dù vậy, ông cho rằng, Quy hoạch Điện VIII vẫn quy định về việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch ở mức cao cùng với một mức công suất điện gió ngoài khơi còn khiêm tốn. Sự thiếu quyết tâm này có thể dẫn đến chi phí sản xuất điện năng cao một cách không cần thiết.

Ông kiến nghị nên tạm dừng phê duyệt nhà máy điện than mới trong Quy hoạch Điện VIII. Cho phép người tiêu dùng điện tiếp cận với năng lượng sạch bằng cách thực hiện các “Hợp đồng mua bán điện trực tiếp” trong các chương trình thí điểm và giảm bớt các rào cản quy định ban đầu đối với các nhà máy năng lượng sạch “sau công tơ”. Điện gió ngoài khơi cũng rất cần được khuyến khích phát triển.


Tổng sơ đồ Điện VIII sẽ không bổ sung tiếp các nhà máy điện than, mà chỉ duy trì các nhà máy trong Sơ đồ VII đã được quy hoạch.

Còn đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) nhìn nhận, tiến bộ trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam sẽ tạo ra tác động có lợi cho nền kinh tế nói chung và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị năng lượng.

“Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên khám phá các nguồn năng lượng đa dạng trong tương lai vốn chỉ dành được rất ít sự quan tâm trong dự thảo hiện tại của Quy hoạch Điện VIII, bao gồm địa nhiệt, hydro và tài nguyên sinh khối”, đại diện AmCham nói.

AmCham ủng hộ việc tăng cường năng lượng gió ngoài khơi theo kế hoạch trong Quy hoạch Điện VIII để mang lại các tổ hợp khai thác gió ngoài khơi quy mô lớn khả thi về mặt kinh tế để hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam, các tiêu chuẩn quốc tế và các hiệp định mua bán có khả năng thu hút đầu tư tư nhân.

Kiến nghị gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió, điện mặt trời

Ông Kenneth Atkinson - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam kiến nghị cần gia hạn áp dụng cơ chế giá FIT đối với điện gió và điện mặt trời.

“Giá FIT hiện tại đối với điện gió hết hạn vào ngày 1/11/2021, khiến các nhà phát triển gió không đủ thời gian để đưa các dự án của họ vào hoạt động trước thời điểm đó. Có 91 dự án điện gió đã được phê duyệt trong tháng 7/2020 được đưa vào Quy hoạch Điện VII và vẫn đang chờ Bộ Công Thương cấp phép. Chúng tôi khuyến nghị gia hạn FIT tối thiểu 2 năm, đến ngày 31/12/2023 để các dự án này có thời gian triển khai”, ông Kenneth Atkinson nêu.

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội này cũng khuyến nghị gia hạn hiệu lực FIT để tạo điều kiện cho các nhà phát triển phát triển dự án điện mặt trời.


Gửi đến Chính phủ, các DN kiến nghị việc cần gia hạn áp dụng cơ chế giá FIT đối với điện gió và điện mặt trời.

Ông John Rockhold, Trưởng nhóm Công tác Điện và Năng lượng, Diễn đàn doanh nghiệp cho biết, trên cơ sở tham vấn với lãnh đạo các doanh nghiệp và đánh giá thận trọng xu hướng trong nước và quốc tế, nhóm Công tác Điện và Năng lượng có những khuyến nghị cụ thể.

Trong đó, ưu tiên năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện lực quốc gia; Tăng cường sử dụng khí tự nhiên làm nguồn phụ tải nền tốt nhất hiện nay cho năng lượng tái tạo; Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho phép thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả;

Gia hạn thời hạn FIT cho các nhà phát triển điện gió và điện mặt trời theo Quyết định 13 và Quyết định 39; Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho phép thu hút đầu tư ngoài lưới với quy mô nhỏ hơn cho sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng lưới điện để cải thiện sự ổn định và công suất; Có chính sách cụ thể về tấm pin mặt trời thải theo hướng tái chế vật liệu và giảm phát thải ra môi trường.

Bộ Công Thương nói gì?

Phản hồi những nội dung được các đại diện hiệp hội doanh nghiệp nêu ra, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã giải đáp những vấn đề nóng liên quan đến phát triển năng lượng.

Về điện hạt nhân, ông Hùng cho biết, Bộ Công Thương đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện lưới Quốc gia giai đoạn 2030 - 2045 (Tổng sơ đồ VIII), trong đó có đề cập việc sẽ xem xét vấn đề điện hạt nhân sau 2035.

Về nhiệt điện than, do tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của Việt Nam cao, khoảng 8 - 10% trong giai đoạn 2020 - 2030, theo tính toán, đến năm 2030, tổng sản lượng điện tại các nhà máy điện phải gấp đôi năm 2020, dự kiến khoảng 12.000 MW. Vì vậy, nếu không phát triển nhiệt điện than thì khó đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện.

Chính vì vậy, Tổng sơ đồ điện VII vẫn đặt vấn đề tiếp tục sử dụng các nhà máy điện than, tuy nhiên, để đảm bảo việc giảm phát thải cũng như biến đổi khí hậu, Tổng sơ đồ VIII sẽ không bổ sung tiếp các nhà máy điện than, mà chỉ duy trì các nhà máy trong Sơ đồ VII đã được quy hoạch. Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng như xây dựng các nhà máy chạy bằng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên ngoài khơi.


Vấn đề liên quan đến phát triển năng lượng dành sự quan tâm lớn của khối DN tại phiên cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp thường niên sáng 21/2.

Đối với điện mặt trời, theo quy hoạch Tổng sơ đồ VII, đến năm 2020, dự kiến có 850 MW điện mặt trời. Tuy nhiên, sau khi Quyết định số 11 và Quyết định số 13 của Chính phủ về cơ chế ưu đãi phát triển điện mặt trời được ban hành, thì dự kiến hết năm 2020 sẽ có khoảng hơn 10,000 MW điện mặt trời, tức gấp hơn 10 lần quy hoạch Tổng sơ đồ VII (hiệu chỉnh 428) đã được phê duyệt.

Tất cả quy hoạch của điện mặt trời đến nay đã được phê duyệt cũng như báo cáo Thủ tướng đưa vào phê duyệt là khoảng 19.230 MW.

Đối với điện gió, phía Bộ Công Thương hiện đã thẩm định và báo cáo trình Thủ tướng phê duyệt khoảng 18.300 MW. Như vậy, tổng quy hoạch điện gió, điện mặt trời đã được phê duyệt và đang trình Thủ tướng phê duyệt là khoảng 40.000 MW - là một tỉ lệ rất lớn.

Tuy nhiên, vì đặc điểm của năng lượng tái tạo là giá thành cao và không có tính liên tục, đến 2030, theo tính toán chỉ có thể bổ sung được 4.500 MW điện mặt trời, 7.710 MW điện gió và có thể xem xét bổ sung điện gió ngoài khơi.

Việc sử dụng điện ngoài khơi, điện khí hóa lỏng, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng bổ sung trong quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII. Đến năm 2030, dự kiến khoảng 16.400 MW điện sử dụng khí hóa lỏng LNG, bao gồm: Nhơn Trạch 3 và 4 khoảng 1.500 MW, Sơn Mỹ 1 và 2 khoảng 4.500 MW, Trung tâm nhiệt điện Bạc Liêu khoảng 3.200 MW, Trung tâm nhiệt điện Long Sơn khoảng 1.500 MW, Trung tâm Cà Ná khoảng 1,500 MW, Trung tâm nhiệt điện Long An khoảng 1.500 MW, Hiệp Phước khoảng 1.200 MW, Quảng Ninh là 1.200 MW.

Trong đó, 7/8 dự án đã được bổ sung quy hoạch. Đến 2025 - 2030, sẽ hạn chế rất thấp sử dụng nhiệt điện than, cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí hóa lỏng cũng như khí ngoài khơi, để đảm bảo giảm phát thải ra môi trường, đẩy nhanh tiến độ huy động các nguồn năng lượng điện tái tạo.

Đối với đề xuất điều chỉnh giá FIT cho điện gió, ông Hùng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ kéo dài giá FIT cho điện gió. Tuy nhiên, do công nghệ có thể giảm dần theo thời gian, nên giá cũng sẽ phải điều chỉnh giảm cho phù hợp.

Đối với điện mặt trời, Chính phủ cũng đã có quy định sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư sau 2020 để đảm bảo tính khách quan, minh bạch cho các dự án sau khi được lựa chọn. Bộ Công Thương đang chuẩn bị trình Chính phủ các cơ chế áp dụng thí điểm đấu thầu cho dự án điện mặt trời sau năm 2020 và như vậy, sẽ không có giá FIT cho điện mặt trời sau năm 2020

 

https://www.nguoiduatin.vn/bo-cong-thuong-giai-dap-loat-kien-nghi-nong-ve-phat-trien-nang-luong-a543707.html