Không phù hợp với quy định hiện hành
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo "Kết quả thực hiện thông báo kết quả kiểm toán" của Bộ Công thương vừa gửi Kiểm toán Nhà nước.
Tại thông báo số 448 (ngày 15/7/2022) về kết quả kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) của Kiểm toán Nhà nước, đơn vị này đã kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng cơ chế đấu thầu và ban hành các thủ tục liên quan nhằm đảm bảo khách quan và thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT.
Về vấn đề này, Bộ Công thương cho hay, hiện nay, pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực điện không quy định bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện. Do đó, việc này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 25. Tức là, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các quy định hiện hành để lựa chọn nhà đầu tư (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu).
Hiện nay, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tiêu chí lựa chọn là giá bán điện không phù hợp với quy định hiện hành. Ảnh: Chí Nhân
Tuy nhiên, qua trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương cho rằng, còn một số vướng mắc lớn để thực hiện chủ trương này.
Đó là, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tiêu chí lựa chọn là giá bán điện không phù hợp với quy định hiện hành.
Cụ thể, quy định tại Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực về chủ thể lựa chọn nhà đầu tư khác với chủ thể xác định giá điện. Tức là, tại Luật Giá và Luật Điện lực quy định, bên mua điện (EVN) có quyền quyết định, thoả thuận giá mua điện với bên bán. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Đầu tư, cơ quan có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư không phải là EVN (Điều 30, Điều 31).
Dẫn thực tế thời gian qua, quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện (ngoại trừ các dự án BOT) chưa xem xét đến tiêu chí giá bán điện, Bộ Công thương đánh giá: "Căn cứ các quy định hiện hành về Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực thì không thể thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tiêu chí giá bán điện cạnh tranh (giá cuối cùng) là tiêu chí giá trúng thầu".
Bộ này cũng khẳng định không có thẩm quyền ban hành quy định của pháp luật về đấu thầu. Đồng thời, lưu ý, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (không có tiêu chí giá bán điện cạnh tranh) vẫn đang được các tỉnh thực hiện theo pháp luật đầu tư và không có vướng mắc gì.
Chính sách khuyến khích NLTT không còn phù hợp
Tại kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Công thương cần có chính sách dài hạn để phát triển NLTT, trong đó, lưu ý đến phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN)...
Bộ Công thương nêu quan điểm, các quy định, chính sách chỉ nên áp dụng trong khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào NLTT.
Đến nay, quy mô NLTT ngày càng mở rộng, giá cũng rẻ hơn, cùng với sự cạnh tranh lớn về thị trường công nghệ, thiết bị... nên chính sách khuyến khích không còn phù hợp.
Vì thế, các dự án chuyển tiếp, hay các dự án tương lai, Bộ Công thương cho hay, sẽ phải thực hiện theo cơ chế: Các chủ đầu tư đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN theo hướng dẫn của Bộ Công thương, đảm bảo tuân thủ Luật Điện lực, Luật Giá và các văn bản liên quan.
Riêng với việc phát triển ĐMTMN, theo Bộ Công thương, Bộ đã báo cáo Thủ tướng chính phủ tại Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, phát triển ĐMTMN theo hướng khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, và người dân phát triển với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia.
"Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu với kiến nghị về quy định tỷ lệ điện sử dụng và lượng điện dư bán trong quá trình xây dựng chính sách", Bộ Công thương nêu.
Hồng Hạnh/www.baogiaothong.vn
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-cong-thuong-chua-the-dau-thau-chon-nha-dau-tu-dien-gio-mat-troi-d579292.html