Nhà máy điện rác Sóc Sơn do Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội là chủ đầu tư là một dự án tạo ra nguồn năng lượng tái tạo từ rác thải, hiện đang chung tay cùng Thủ đô Hà Nội xử lý tới 70% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày.
Công nghệ hiện đại tạo ra điện năng từ rác, biến rác thải thành tài nguyên
Tọa lạc bên cạnh "núi rác" Nam Sơn, Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã được xây dựng với quy mô lớn, hiện đại và đồng bộ với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Bằng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến từ châu Âu, Nhà máy đã xử lý hàng nghìn tấn rác mỗi ngày một cách hiệu quả.
Đây được coi là công nghệ hiện đại và phù hợp với tình trạng xử lý rác thải tại Việt Nam hiện nay, không chỉ giải quyết được lượng rác lớn trong thời gian ngắn, còn giúp hạn chế ảnh hưởng đến quỹ đất đô thị và tạo ra nguồn năng lượng tái tạo, phục vụ cho đời sống nhân dân Thủ đô.
|
Toàn cảnh Nhà máy điện rác Sóc Sơn
|
Được khởi công từ tháng 9/2019, cho tới hiện nay Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã đi vào vận hành Giai đoạn 2 từ đầu năm 2023. Mỗi giờ nhà máy tạo ra 75 MW điện và có thể giúp Hà Nội xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương 5.000-5.500 tấn "rác tươi" mỗi ngày. Chung tay cùng Thủ đô Hà Nội, Nhà máy đang từng bước khơi dậy giá trị từ rác thải, biến rác thải thành một loại tài nguyên có thể khai thác được để tạo ra năng lượng.
Dự kiến, sau khi vận hành toàn bộ 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện, công suất theo thiết kế lắp đặt sẽ đạt 90 MW/giờ, công suất hòa lưới đạt 75 MW. Tỷ lệ điện tự dùng khoảng 12%. Đây là một tin mừng dành cho người dân Thủ đô khi mà Nhà máy điện rác Sóc Sơn được kỳ vọng khi vận hành ổn định sẽ không chỉ giải quyết bài toán rác thải mà còn đóng góp một phần không nhỏ nguồn năng lượng sạch cho lưới điện quốc gia, nhất là trong tình trạng thiếu hụt điện năng sinh hoạt như hiện nay.
Xây dựng tương lai bền vững
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội phải đối mặt với việc phát sinh từ 6.500 đến 7.000 tấn rác. Tình trạng này đang gây ra nhiều áp lực cho các cơ quan chức năng và đại chúng. Hiện tại, biện pháp xử lý chính là chôn lấp. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu cho môi trường, gây mất mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân trong khu vực Nam Sơn, Xuân Sơn và một số khu vực lân cận. Tại các nơi chôn lấp rác, đất ở đó phải mất cả trăm năm mới tái sử dụng lại được.
|
Nhà máy điện rác Sóc Sơn đón đoàn kiểm tra UBND Tp. Hà Nội tới thăm và làm việc ngày 18/5/2023
|
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn tương lai đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt vào năm 2014, Thành phố Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn với diện tích lên đến 430ha và 6 trạm trung chuyển có diện tích 10ha, 29 bãi chôn lấp phế thải xây dựng và bùn thải. Để đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế việc chôn lấp, rác thải sẽ được tập kết và xử lý bằng công nghệ tiên tiến như đốt hoặc tái chế.
Với tầm nhìn tương lai, việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho môi trường và cuộc sống của người dân. Không chỉ giảm thiểu việc chôn lấp, sử dụng đất một cách hiệu quả, công nghệ tiên tiến còn giúp tạo ra các sản phẩm tái chế có giá trị kinh tế cao. Điều này sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
|
Nhà máy sẽ góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân Thủ đô
|
Từ đó, Chính quyền Thủ đô Hà Nội đã đặt niềm tin và hy vọng vào dự án này, và hy vọng rằng nó sẽ được thực hiện thành công. Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ là một dấu mốc quan trọng trong việc cải thiện môi trường sống cho người dân Thủ đô và góp phần phát triển cộng đồng bền vững.
Công ty Thiên Ý trực thuộc tập đoàn Thiên Doanh (CNTY-EUZY) đã có nhiều dự án trên toàn thế giới và hiện có 4 nhà máy ở Việt Nam tại các địa phương như Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương… Doanh nghiệp vẫn đang mong muốn phát triển thêm dự án tại nhiều địa phương khác để phục vụ cho mục đích cộng đồng.
|
Minh Kỳ/congthuong.vn
Nguồn: https://congthuong.vn/bien-rac-thai-thanh-dien-nang-gop-phan-hinh-thanh-nen-kinh-te-xanh-257625.html